Vị Tết xưa
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 02:00, 17/02/2021
Rộn ràng chuẩn bị đón Tết
Bắt đầu từ 26, 27 tháng chạp nhà nhà đều lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Đường sá, làng xóm được sửa sang, vệ sinh sạch đẹp. Tết về, dù chẳng có chi nhiều nhưng cũng phải cố gắng làm đẹp đường thôn, ngõ xóm để bà con đi lại hỏi thăm, mừng tuổi. Đình làng, đền chùa được quét lại nước vôi trắng xoá, tất cả trở nên mới mẻ và khang trang hơn.
Thế nhưng dọn dẹp đường sá, làm sạch những con đường chỉ là một phần làm nên không khí của Tết, mà có lẽ không khí tết quê thể hiện rõ nhất là ở các chợ làng. Ngày bà tôi còn sống, gần giáp Tết bà hay kể: Chợ tết ngày xưa đơn giản lắm. Hàng hoá chủ yếu là các sản phẩm cây nhà lá vườn của bà con. Người đi chợ là các bà, các mẹ. Đàn ông-con trai rất hiếm khi đến chợ. Nhà nhà, dù ít dù nhiều bắt đầu lo tết.
Người xưa mong Tết không chỉ là để được nghỉ ngơi mà quan trọng, quanh năm vất vả, bận rộn ăn uống đơn giản, chỉ có ngày Tết mới được ăn những món ngon. Do đó, việc chuẩn bị cho việc ăn Tết rất được chú trọng.
Tết về điều mà những đứa trẻ luôn chờ đợi và háo hức nhất là được mừng tuổi những chiếc bao lì xì đỏ chót.
Việc gói bánh chưng được chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đầu tháng Chạp, mọi người đã lo mua gạo nếp, đậu xanh… để sẵn. Thậm chí lá dong, lạt buộc cũng phải lo liệu trước, không đợi cận Tết mới sắm, nếu để Tết sắm thì sẽ khó mà mua được những lá dong đẹp, lạt mềm.
Đến rằm tháng Chạp thì mọi nhà bắt đầu làm dưa hành. Hành củ to tròn, mua về ngâm nước tro bếp 5 ngày, rồi bóc vỏ, cắt rễ, trộn muối; 2 ngày sau thì đổ nước ngâm, mất 7-8 ngày nữa củ hành mới hết cay chuyển thành dưa chua dôn dốt. Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền xưa: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”.
Vị Tết xưa không thể nào quên
Không khí Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi nhà nhà cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Ngày 24 trở đi đã rộn rã lắm rồi, trẻ con mua pháo lẻ ở chợ về đốt chơi đì đùng ở sân đình. Người lớn đi tạ mộ ông bà cụ kỵ; lau dọn bàn thờ tổ tiên; tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm… Từ 27 đến 30 tháng Chạp, nhà nhà lo mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, quấy chè lam, nấu kẹo lạc, làm bỏng mụn…
Nhà đông người hay có điều kiện thì mổ một con lợn, nhà ít người hoặc nghèo thì chung nhau hai, ba, bốn nhà một con. Suốt các ngày từ 28 đến 30 tháng Chạp tiếng lợn kêu eng éc khắp làng xóm, các bến nước hai bên bờ sông kẻ lên người xuống dập dìu, chỗ này cọ lá dong, chỗ kia làm lòng lợn.
Quanh năm bữa ăn toàn là rau dưa, cà kiệu… Tết đến mổ con lợn ra mới có điều kiện bày biện, trước cúng, sau ăn. Cái sỏ thường dùng gói giò gọi là giò thủ, đôi thăn giã nhuyễn gói giò lụa, cũng có nhà gói cả giò mỡ.
Nói về nét độc đáo của tết xưa ở các làng quê có lẽ ai cũng nhớ đến 2 câu đổi quen thuộc:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Nó đều là những đặc sản của “tết quê” xưa. Dù ít, dù nhiều hay đã biến đổi phần nào nhưng các thứ ấy vẫn còn cho đến ngày nay. Riêng “cây nêu” với việc “dựng nêu” – một tập tục phổ biến ngày xưa hầu như không còn. Thời điểm dựng nêu là từ ngày 23 tết trở đi. Cây nêu làm bằng một cây trẻ có đủ gốc, ngọn, cành lá cao từ 2,5 đến 3 mét, dựng trước sân nhà hoặc trước các nhà thờ, nhà họ.
Trên cây nêu được treo một mũ đen, đó là mũ ông Thổ công năm mới, một lá phướn có 4 chữ nho “Thái bình thiên hạ” hoặc hàng chữ nho với các nội dung mời gọi ông bà về ăn tết. Người xưa dựng nêu để doạ đám ma quỹ đến quấy phá đất đai. Cây nêu dựng lên còn có ý nghĩa nữa là đón rước, chào mời các vị phúc thần nhập cư đem lại điều tốt lành cho gia chủ. Cây nêu được dựng cho đến tiết khai hạ tức 15 tháng giêng năm mới, mới làm lễ hạ nêu”
Khâu chuẩn bị cuối cùng là món tiền lẻ để phát vốn cho trẻ con. Trước tiên là sáng mùng Một phát vốn cho con cháu trong nhà, sau đó bất cứ đứa trẻ nào đến chơi cũng được phát vốn. Trường hợp có bổn phận phải đến chúc Tết các bậc vai vế bề trên, thì cũng cần mang theo tiền lẻ để phát vốn cho trẻ nhỏ.
Bên cạnh sắm sửa Tết cho nhà mình, người xưa còn chuẩn bị đồ lễ, biếu. Con cháu khi đã ra ở riêng, dù xa xôi cách trở, cũng tìm về lo liệu biếu Tết cho ông, bà, cha mẹ, nhiều ít tuỳ hoàn cảnh sinh sống.
Tết ngày nay
Có thể thấy, công việc chuẩn bị cho Tết nhiều công đoạn và vất vả là vậy, nhưng mọi người ai nấy đều vui mừng háo hức. Cuộc sống ngày càng đủ đầy nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng.
Do đó, đây không còn là những món ăn đặc biệt, cơ bản trong ngày Tết nữa. Nhiều gia đình vẫn duy trì việc gói bánh trưng nhưng chỉ là để vui, cho có không khí. Việc chuẩn bị Tết cũng không phải cầu kỳ, vất vả như trước. Mọi mặt hàng từ hoa quả, bánh trái, thực phẩm, đồ uống… đều có sẵn, chỉ dành ra một, hai buổi là có thể sắm đủ. Thậm chí, không cần ra chợ, chỉ vài click chuột hay đôi cuộc điện thoại đặt hàng, mọi hàng hóa đều đến tay. Không những vậy Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại.
Mặc dù có nhiều thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và nhộn nhịp nhất của người Việt; là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như: ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay, chúc nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”. Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để cả nhà sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Tết quê xưa đã trở thành nền nếp. Phong tục đẹp được lưu truyền đến tận ngày nay. Ngày Tết, mọi sự thù ghét, hờn ghen đều được dẹp lại. Người ta đối với nhau hồ hởi, thân thiện. Những lời chúc thật tốt đẹp và chân tình. Trẻ con, người lớn đều vui vẻ, hân hoan.
Cho nên có người từng đã ước ao: Mong sao cả năm ngày nào cũng như ngày Tết.
Thanh Huyền