Phong tục Tết của người Nam Bộ
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 13:00, 13/02/2021
Nhớ tuốt lá cho mai về kịp Tết.
Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương.
Mai vàng nở như em về đúng hẹn.
Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường.
Anh tuốt lá đợi mai về ngày Tết.
Chở mùa Xuân trên mỗi đóa vàng tươi.
Chợ Tết trên sông
Một nét đặc trưng của miền Nam chính là “Chợ nổi” mà ai cũng biết, người dân ở đây gắn cuộc đời với sông nước. Vào những ngày giáp Tết như được thổi hồn vào mà chợ cũng trở nên tất bật, nhộn nhịp hơn. Rồi thuyền lớn, thuyền nhỏ nối nhau trên sông đầy ắp hàng Tết như hoa quả, bánh kẹo, các thức quà ngày Tết. Rất dễ dàng để đi chợ nơi đây khi đêm cũng như ngày chợ đều không vắng hàng.
Những câu hò, vè được cất lên trên những chiếc thuyền rộn ràng ngày Tết như mang đến không khí tươi mới quên mệt mỏi cho người dân Nam Bộ. Những sản vật của dòng sông Mekong đem lại cộng với ánh nắng ấm áp luôn mang đến nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây.
Một nét đặc trưng của miền Nam chính là “Chợ nổi” mà ai cũng biết
Chợ hoa ngày Tết
Cũng giống với người miền Bắc, thú vui chơi hoa vào những ngày Tết của người miền Nam cũng rất thú vị. Những chậu hoa, cây kiểng được bày bán khắp chợ với những chậu hoa vạn thọ, cúc hay tuy – lip, phong lan…những chậu hoa này tuỳ vào số tiền có trong túi để mọi người lựa chọn.
Trên mỗi chiếc thuyền là những chậu hoa được vận chuyển trên hệ thống sông nước. Người miền Nam rất yêu hoa, họ thường để dành những khu vườn rộng để trồng hoa và chăm chút chờ dịp hoa khoe sắc vào Tết mang đến sự may mắn cho mọi người.
Nếu người dân miền Bắc chọn loài hoa đào để đem lại may mắn thì người dân nơi đây chọn cho mình những chậu cây hay nhành hoa mai với sắc vàng rực rỡ.
Ngoài ra phía trước nhà của mọi người dân Nam Bộ ngày tết lúc nào cũng có vài chậu bông thọ tượng chưng cho tuổi thọ, sức khỏe, bông thọ được để lên bàn cúng vào các ngày như cúng ông táo, rước ông bà, ra mắt ông bà…
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi” thể hiện sự nguy khó. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”. Mâm ngũ quả thường gồm các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, sung vì nó tượng trưng cho “Cầu vừa (dừa) đủ sung”. Nếu không tìm được sung thì có thể chưng xoài hoặc thơm. Gần đây có phát hiện thêm qủa Dư cũng được trang trí trên mâm ngũ quả cầu mong được dư dã, sung túc.
Ngoài ra trên bàn thờ nhà nào cũng đều có cặp dưa hấu đỏ hoặc vàng. Dưa hấu lựa chưng tết là dưa hấu quả tròn, đẹp , hai quả phải cân xứng nhau.
Ngoài bàn thông thiên cũng để 1 quả dưa hấu hay 1 quả bưởi để chưng tết.
Mâm cỗ ngày Tết
Mâm cỗ Tết của miền Nam thường có nhiều đồ nguội do thời tiết nắng nóng. Hầu như nhà nào cũng có ba món cơ bản là bánh tét, bánh tráng và nồi thịt kho tàu, dưa cải trong mấy ngày tết. Trong suy nghĩ của người phương Nam, bánh tét tượng trưng cho sự ấm no từ đời này qua đời khác.
Đặc trưng của Nam bộ đó là món bánh tét lá cẩm tím vừa thơm ngon lại vừa thẩm mỹ vì chỉ dành riêng cho những dịp lễ quan trọng của năm mà không nơi nào có được.
Dù giàu hay nghèo, người miền Nam cũng không thể thiếu những món ăn ngày tết truyền thống từ lâu đời. Món thịt kho tàu là thịt ba rọi (ba chỉ) thái to khoảng trên bốn phân nấu chung với một trái dừa xiêm để thịt kho lạt đi, ăn được to miếng. Thịt hầm từ bắp đùi hầm nhừ với vài vị thuốc Bắc. Có thể thêm vào hột vịt luộc gọi là thịt kho hột vịt. Còn có món khổ qua dồn thịt heo rồi hầm như hầm thịt. Các món truyền thống này chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai, sáng ngày mồng ba sẽ cũng và ăn món khác phải như gà, cá.
Món ăn chơi ngày tết còn có bánh tráng: Có loại bánh tráng nhúng để cuốn ăn với thịt, rau, cá…ăn trong bữa cơm còn bánh tráng nướng hoặc bánh tráng sữa
Lễ nghi ngày Tết
Giáp Tết, các gia đình sẽ tổ chức đi chạp mộ để tỏ lòng “uống nước nhớ nguồn” với những người đã khuất. Chiều 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời. Ngày 30 làm một mâm cơm cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà”. Cho đến khi hết Tết khói hương trên bàn thờ gia tiên lun nghi ngút và sau đó đến ngày mồng 3 tháng Giêng thì làm lễ “đưa ông bà”. Trước giao thừa, các gia đình thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên). Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm quả dừa, bánh phồng, bánh tráng con gà trống luộc.
Mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết, thường quy tụ đủ mặt mọi người thân trong gia đình. Theo quan niệm của người Nam Bộ mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cúng tế, đốt pháo là để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới. Đêm 29-30 là lúc vui nhất, mọi người thức đón giao thừa, ăn uống, trò chuyện… rất huyên náo. Ba ngày tết là ba ngày vui chơi, ăn uống, thăm viếng, chúc mừng nhau những điều mới mẻ, tốt lành. Một tập quán phổ biến là trong những ngày đầu năm, mọi người đều chỉ nói ra những lời hay, ý đẹp, gặp nhau chào mừng, hy vọng mọi điều như ý. Bao điều không vui, không vừa lòng năm trước đều bỏ đi.
Những điều cần chú ý trong ngày Tết đối với người miền tây Nam Bộ
Nên:
Trước ngày 29 tết tất cả các lu, hủ chứa gạo, chứa nước, muối phải được đổ đầy để mong một năm đầy đủ. Nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp.
Trong ngày đón giao thừa mọi người đều trang bị cho mình một bộ quần áo mới, tắm rửa gội đầu sạch sẽ, tiền để trong túi với hy vọng cả năm đều mới mẻ và tiền đầy túi.
Những điều cấm kỵ:
Xông đất: Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông đất ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.
Không quét nhà vào ngày mùng 1: Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nên vào ngày Tết không cần dọn dẹp nữa. Những ngày đầu năm, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa.
Không cho lửa đầu năm: Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.
Không đi chúc tết sáng mùng 1: Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.
Không làm đổ vỡ đồ dùng: Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.
Không xuất hành ngày mùng 5:Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa: Việc đứng hay ngồi trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.
Những phong tục cổ truyền của người Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.
Trọng Nhân