An Giang: Nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 10:31, 23/03/2021
Theo đó, UBND tỉnh vừa có Công văn 192/UBND-KTN yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói thực phẩm nhựa, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn…).
Không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa…. dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ. Đồng thời thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
Lực lượng Đoàn Thanh niên đi thu gom rác thải nhựa ở các vùng nông thôn
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn, chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng phong trào chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn…) để bảo vệ môi trường; vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch… trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường các khu dân cư, chợ, đường phố, điểm công cộng,…; Phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường hiệu quả công tác thu gom, xử lý chất thải rắn; thực hiện thu gom và xử lý riêng các loại chất thải đã được phân loại (bao gồm cả chất thải nhựa). Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
Tổ chức và thực hiện các biện pháp thu gom chất thải nhựa trên các sông, suối, các ao hồ, rạch, kênh, mương… trong khu đô thị, khu dân cư và các khu vực công cộng khác; Thường xuyên tuyên truyền và tổ chức ra quân vệ sinh, khơi thông dòng chảy các tuyến sông, kênh, rạch tại khu đô thị, khu dân cư và các khu vực công cộng khác.`
Hồng Minh