Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Nét đẹp văn hóa của người dân Phú Thọ
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 12:16, 21/04/2021
Từ năm 2019, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương đã vận động các gia đình tại Phú Thọ có mâm cơm tri ân, do gia đình tự chuẩn bị, đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm trong ngày 10 tháng 3 âm lịch. Từ đó đến nay, việc làm này ngày càng được mở rộng và được nhân dân hưởng ứng.
Theo truyền thống, mâm cơm dâng cúng các vua Hùng thường có bánh chưng, bánh dày và cơm tẻ. Món bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho trời, đất. Cơm tẻ cũng do Vua Hùng dậy dân cấy lúa mà ra. Trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm, có dương đầy đủ, hòa hợp.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao hơn đó là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt. Việc khuyến khích các gia đình làm mâm cơm tri ân công đức Vua Hùng đã phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Mâm cơm Giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Báo Phú Thọ
Theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hữu Nhàn: Mâm cơm tri ân mang ý nghĩa thiêng liêng, thờ cúng Hùng Vương cũng là một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nhưng được nâng lên một tầm cao đó là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ có từ hàng ngàn năm nay đã trở thành một bản sắc văn hoá trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương với triết lý “Con người có tổ có tông”, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm giáo dục đạo lý truyền thống tri ân công đức tổ tiên, gắn kết các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn, sống hoà hợp.
Trên vùng Đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được phát triển thành tín ngưỡng thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng hiếm có, nếu không nói là độc nhất trên thế giới khi cả dân tộc Việt Nam đã tự ý thức về mình là có chung một nguồn gốc (đồng bào), một khu mộ Tổ và có chung ngày giỗ Tổ để thực hành những nghi lễ thờ cúng và tưởng niệm Vua Hùng – vị Quốc Tổ chung của cả quốc gia, dân tộc. Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, các Vua Hùng là thánh nhân, người có công dựng nước, thần linh bảo vệ cho cả cộng đồng.
Cứ mỗi dịp Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, tất cả những người con đất Việt trên khắp thế giới đều hướng về ngày lễ chung toàn dân tộc – ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Có một nghi lễ không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dù là ở gia đình nhỏ hay lễ trọng của dân tộc thì việc dâng lễ vật lên ban thờ trong đó có mâm cơm là một nghi lễ vô cùng quan trọng của người Việt. Mâm cơm cúng giỗ có quy mô vượt lên trên một mâm cơm bình thường, nó thể hiện sự thành kính của người sống với người đã khuất cũng nhằm tri ân với tổ tiên, mang ý nghĩa giáo dục con cháu về niềm tự hào dân tộc.
Với chị Triệu Phương Dung, đồng bào dân tộc Dao, khu Sơn Nga, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập: Mâm cơm tri ân là để giáo dục đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi hiểu rằng việc tổ chức mâm cơm tri ân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hằng năm vừa để tưởng nhớ công đức tổ tiên, vừa nhắc nhớ thế hệ hôm nay về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.
Mỗi gia đình có thể sẽ có một cách thức chuẩn bị, bài trí mâm cơm cúng theo phong tục riêng, nhưng ý nghĩa của mâm cơm cúng tổ tiên bao đời vẫn vậy, ngàn năm chưa từng đổi thay bởi điều cốt yếu là thể hiện được lòng thành kính tưởng nhớ đến tổ tiên, các vị tiền nhân đã có công dựng nước. “Việc làm này không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình trong khu, trong xã tôi cùng thực hiện. Điều này chứng tỏ ý nghĩa linh thiêng của mâm cơm tri ân đã tạo sức lan tỏa đến đồng bào vùng cao”.
Thông qua việc duy trì “Mâm cơm tri ân các Vua Hùng” sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, nhất là ở vùng sâu vùng xa cùng hướng về ngày Giỗ Tổ. Đồng thời, giáo dục con cháu về niềm tự hào là người dân Đất Tổ.
Vân Khánh