Gia Lai: Đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Chiến thắng Chư Bồ – Đức Cơ”

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 10:32, 29/04/2021

Moitruong.net.vn – Nhân dịp kỷ niệm 46 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2021), sáng ngày 28/4/2021 Tại thôn Chư Bồ 1, xã IA KLA, UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Chiến thắng Chư Bồ – Đức Cơ”.

Về dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ và các sở ban ngành tỉnh Gia Lai; Lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể huyện Đức Cơ; Bộ tư lệnh Quân đoàn 3; Lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn 320, Ban liên lạc mặt trận Tây Nguyên- B3 – Quân đoàn 3 ; Ban LL TT ĐĐ ĐB – Sư đoàn 320 tại Hà Nội, Nghệ An – Hà Tĩnh , các chiến binh Sư đoàn 320 qua các thời kỳ cùng đông đảo bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Đức Cơ.

Theo các tư liệu lịch sử của Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, để án ngữ đường 19 Tây nhằm ngăn chặn hoạt động của quân ta tại tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, địch đã cho xây nhiều căn cứ quân sự; trong đó, xác định đoạn từ Thanh An (Chư Prông) đi Đức Cơ sẽ là trọng điểm chiến lược và điều hỏa lực về xây dựng cụm căn cứ Chư Bồ-Đức Cơ. Trong năm 1972, ta và địch giằng co tại vùng trọng điểm này. Sau khi chiếm lại được Chư Bồ- Đức Cơ, địch tập trung 2 trung đoàn 41 và 45 chốt giữ đoạn từ Thanh An đi Đức Cơ. Chủ quan cho rằng Sư đoàn 320 đã bị suy yếu, chúng điều Tiểu đoàn 81 biệt động quân đóng quân ở căn cứ Chư Bồ; Tiểu đoàn 23 biệt động quân đóng ở đồn 30.

Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Chiến thắng Chư Bồ – Đức Cơ”

Nắm được ý đồ của địch, từ cuối tháng 12-1972, đầu tháng 1-1973, bộ đội của Sư đoàn 320 đã ém sẵn chờ thời cơ tấn công địch trên tuyến đường 14 (Phù Mỹ đi Mỹ Thạch) và đường 19 Tây (Thanh An đi Đức Cơ). Đến giữa tháng 1-1973, thời cơ đã đến. Một phương án tác chiến đã hình thành. 15 giờ ngày 17-1-1973, tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 320, lệnh chiếm lĩnh trận địa được phát ra. Đúng 6 giờ 30 phút ngày 18-1-1973, pháo binh quân ta khai hỏa đánh đúng mục tiêu căn cứ Chư Bồ. Trung đoàn 64 được sự tăng cường Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48) của Sư đoàn 320 tấn công thẳng vào đội hình địch. Địch rối loạn tháo chạy, ta chiếm hoàn toàn trận địa, diệt 220 tên, bắt sống 37 tên, bắn rơi 4 máy bay, thu 91 súng các loại… Với chiến công này đã đập tan ý đồ xây dựng căn cứ Chư Bồ nhằm làm bàn đạp tấn công khu vực phía Tây Gia Lai. Trong trận chiến đấu anh dũng này đã có gần 100 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị anh dũng hy sinh.

Các chiến binh Sư đoàn 320 qua các thời kỳ về tham dự buổi lễ

Sau trận Chư Bồ, từ ngày 20 đến 21-1-1973, Trung đoàn 64 tiếp tục đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm Đức Cơ. Trong thế chủ động, quân ta tiếp tục tấn công trên các cứ điểm của đường 19 Tây và đường 14, đánh thẳng vào Sư đoàn 23 và 22 biệt động quân ngụy. Quân địch bị vỡ trận. Đêm 26 đến ngày 27-1-1973, Trung đoàn 48 đánh chiếm đồn 30 rồi thừa thắng tiến công giải phóng cả vùng rộng lớn giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, nối thông, đảm bảo an toàn cho tuyến hành lang biên giới. Về chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ, các sử gia quân sự đánh giá đây là trận đánh có ý nghĩa chiến lược to lớn của mặt trận Tây Gia Lai vào thời điểm trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày 27-1-1973, giúp ta giành thêm đất, thêm dân.

Việc công nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Chiến thắng Chư Bồ – Đức Cơ”chính là biểu hiện của lòng tri ân và ghi công ơn đối với các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn 320 cùng sự đóng góp của quân và dân Gia Lai trong chiến thắng lịch sử này. Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, giá trị lịch sử cho cán bộ, nhân dân cũng như lớp lớp con cháu mai sau.

Ngọc Trâm

Ngọc Trâm