Hà Tĩnh: Nắng nóng như đổ lửa, người dân ra đồng gặt lúa đêm
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 05:00, 22/05/2021
Nắng tháng 5 ở Hà Tĩnh chang chang như cháy da cháy thịt, để “trốn nắng” thay vì thu hoạch lúa vào ban ngày như những năm trước, nhiều nông dân Hà Tĩnh đã chọn phương án thu hoạch lúa vào ban đêm. Đây là lúc thời tiết mát mẻ, có gió dễ chịu, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con cũng như tăng năng suất lao động.
Phóng viên Moitruong.net.vn đã ra đồng ghi nhận một số hình ảnh thu hoạch lúa của bà con nông dân Hà Tĩnh. Năm nay bà con hết sức phấn khởi vì vụ mùa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Chị Nguyễn Thị Phương (Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết “Vụ Đông Xuân này, gia đình tôi sản xuất hơn 5 sào lúa. Do thời tiết nắng nóng, với lại gia đình cũng ít người, buổi ngày tranh thủ làm việc nhà và phơi lúa nên tôi tranh thủ ban đêm gọi máy gặt để thu hoạch lúa. Nhờ có máy gặt liên hợp nên mỗi sào bây giờ chỉ gặt và tuốt trong khoảng thời gian 10 phút. Chúng tôi chỉ việc chở lúa về, tranh thủ buổi ngày phơi phong, còn rơm thì để trên ruộng cho khô rồi sau mang về”.
Nắng nóng 40 độ C, người dân thuê máy gặt đêm “trốn nắng”
Theo thống kê, năm 2021, Hà Tĩnh gieo cấy hơn 59.000 ha lúa vụ Xuân. Đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch 53.500 ha, đạt 90% diện tích lúa vụ xuân, năng suất bình quân đạt khoảng 58 tạ/ha, cao hơn 2,36 tạ/ha so với vụ lúa xuân 2020, là mức năng suất cao nhất từ trước tới nay. Việc chấp hành thời vụ, quy trình sản xuất, cơ cấu giống hợp lý và hình thành những cánh đồng lớn được xem cho yếu tố quyết định năng suất của vụ này. Các huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ và Thạch Hà tiếp tục là những huyện ở tốp đầu toàn tỉnh với năng suất bình quân từ 60 – 62 tạ/ha.
Chia sẻ với PV Moitruong.net.vn, Anh Võ Văn Tuyến (Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: “Năm nay năng suất lúa đạt cao nên bà con chúng tôi vui lắm, gia đình có 2 mẫu lúa đang tích cực thu hoạch đúng tiến độ, tranh thủ thời tiết nắng để phơi lúa. Nắng nóng như này chúng tôi liên hệ thuê máy gặt lúa ban đêm, máy gặt thuê giao động từ 130.000 đến 150.000đ/ sào. Nhờ có máy gặt liên hợp nên việc thu hoạch lúa khỏe hơn rất nhiều, chúng tôi chỉ cần đưa xe kéo và bì đựng đứng chờ trên bờ ruộng của gia đình mình, máy gặt xong rồi chở lúa về”.
Chỉ cần đưa xe kéo và bì đựng đứng chờ trên bờ ruộng của gia đình mình chờ máy gặt xong rồi chở lúa về
Năm nay Hà Tĩnh sản lượng lúa đạt năng suất cao, song diện tích thu hoạch đến thời điểm hiện nay chỉ đạt 90%, chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Sở dĩ có tình trạng này là do đa số các địa phương trên toàn tỉnh đều đối mặt với tình trạng thiếu máy gặt. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 640 máy gặt đập liên hợp đang hoạt động. Trong đó, chỉ trừ các huyện như Can Lộc (200 máy), Thạch Hà (125 máy), Cẩm Xuyên (100 máy), Kỳ Anh (80 máy) thì các địa phương còn lại chỉ có từ 10 – 20 máy. Những năm trước, vào vụ thu hoạch, các địa phương sẽ hợp đồng với một số chủ máy ở các tỉnh khác như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định… để đáp ứng tiến độ thu hoạch. Năm nay, việc lưu chuyển máy gặt ngoại tỉnh gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nên đã thiếu hụt số lượng máy gặt phục vụ thu hoạch lúa xuân. Bởi thế, mặc dù thời vụ thu hoạch rất tập trung, điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi, song tiến độ thu hoạch của toàn tỉnh khó đáp ứng được kế hoạch ban đầu.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT, vài ngày tới, khi những nơi có tiến độ thu hoạch nhanh như Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc hoàn thành thì máy sẽ được điều chuyển đến địa phương khác nhanh hơn, giảm áp lực thời vụ và đảm bảo đến ngày 25/5 Hà Tĩnh sẽ khép lại vụ lúa xuân 2021, một vụ mùa bội thu.
Ngọc Trâm