Vĩnh Phúc: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trở lại
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 11:30, 17/06/2021
Ngày 16/6,Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Công văn hỏa tốc nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị, các cơ quan đơn vị trong tỉnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch từ 0h ngày 17.6.2021, cụ thể:
Không tập trung quá 20 người tại khu vực công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc;
Bắt buộc thực hiện nghiêm 5K theo quy định của Bộ Y tế;
Các hoạt động thể thao ngoài trời, công viên, vườn hoa được hoạt động trở lại;
Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo;
Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại và các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tạm dừng hoạt động thực hiện theo Quyết định số 1574/QĐ-UBND ngày 16.6.2021 của UBND tỉnh.
Hình ảnh người dân ra, vào tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện khai báo y tế. Ảnh: Hữu Vinh
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với các lực lượng duy trì hiệu quả của 9 chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh để quản lý chặt chẽ người và phương tiện vào địa bàn tỉnh.
Việc tuyển dụng lao động: Cho phép các doanh nghiệp được tuyển dụng lao động từ các địa phương không có dịch; trước mắt chưa tuyển dụng lao động từ các tỉnh có dịch (những địa phương đang thực hiện cách ly, phong tỏa).
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) Tiếp tục nắm chắc diễn biến, tình hình dịch COVID-19 và các chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và của tỉnh.
Sở Y tế chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh để chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thật sự toàn diện, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm:
Tổ chức đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức “Nguy cơ rất cao”, “Nguy cơ cao”, “Nguy cơ”, “Bình thường mới” cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp huyện, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh.
Chịu trách nhiệm toàn diện việc kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý. Dừng ngay hoạt động của các tổ chức, cá nhân nếu không tuân thủ các yêu cầu, quy định về phòng chống dịch bệnh.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các Tổ COVID cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động của Tổ tại các khu dân cư.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý: Tiếp tục Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành đối với các nội dung đã cam kết của các doanh nghiệp với chính quyền trong công tác quản lý chuyên gia người nước ngoài, công nhân lao động và các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tuân thủ tuyệt đối quy trình đánh giá mức độ an toàn về phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện đánh giá mức độ an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 thường xuyên 07 ngày/lần. Tiếp tục phát huy hiệu quả các “Tổ an toàn COVID trong các doanh nghiệp”.
Phương Thảo