Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 01:30, 14/10/2021
Những người nông dân Việt Nam mới, với khát vọng phát triển nền nông nghiệp thịnh vượng, văn minh, hiện đại
Trong những năm tháng chiến tranh, giai cấp nông dân chính là lực lượng nòng cốt của cách mạng, luôn sẵn sàng ủng hộ và đứng lên trong những phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động. Tại Hội nghị lần thứ Nhất (10/1930), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập Tổng Nông hội Đông Dương với mục đích “Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”. Việc thành lập Tổng Nông Hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, bắt đầu hành trình trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đem lại nhiều thành quả giá trị trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người nông dân áo vải cũng có vai trò hết sức quan trọng. Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngày 1/3/1988, Hội chính thức được đổi tên thành Hội Nông dân Việt Nam. 91 năm hình thành và phát triển (14/10/1930 – 14/10/2021), Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp và vai trò hết sức quan trọng, mang ý nghĩa chính trị to lớn.
Những bài học kinh nghiệm của Hội Nông dân Việt Nam
Một là, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi kết quả hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam; không ngừng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam.
Hai là, chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu nông dân và vì nông dân, nắm vững các chủ trương, chính sách để tuyên truyền, giải thích cho nông dân hiểu; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân thì sẽ phát huy được vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức vận động nông dân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì mới đoàn kết, tập hợp nông dân và nâng cao được chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp; chú trọng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích thiết thực, chính đáng của nông dân để tuyên truyền, vận động. Các hoạt động của Hội đều hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân và coi sự tham gia của hội viên, nông dân về các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân làm thước đo đánh giá chất lượng công tác Hội và đội ngũ cán bộ Hội các cấp.
Bốn là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở và thường xuyên cùng hội viên, nông dân sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, động viên khen, thưởng kịp thời để hoàn thiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến thì Hội Nông dân sẽ hoạt động có hiệu quả, phát động thành công các phong trào thi đua yêu nước.
Năm là, tăng cường phát huy dân chủ, mở rộng các hình thức đối thoại, tiếp xúc giữa cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội các cấp với hội viên, nông dân; nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nêu cao vai trò của hội viên, nông dân trong việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân.
Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam và 60 năm ngày thành lập Hội Nông dân Giải phóng miền Nam là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân cả nước ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng.
Việt Bắc