Tạm dừng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 và 19 trên toàn quốc
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 03:30, 13/10/2021
Ngày 12/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với 4 cấp độ dịch. Quy định này được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Nghị quyết nêu rõ khi áp dụng quy định này, tạm thời sẽ không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ và các chỉ thị 15, 16 và 19. Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp tại quy định này thì chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa
Phân loại bốn cấp độ dịch
Quy định phân loại bốn cấp độ dịch COVID-19, gồm: Cấp 1 là nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh, cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng, cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam, cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Cấp độ dịch được phân loại dựa trên ba tiêu chí, gồm tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian, độ bao phủ vaccine (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỉ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỉ lệ tiêm đủ liều) và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch được chia nhỏ quy mô cấp xã. Quy định còn khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
Quy định nêu rõ Bộ Y tế là cơ quan hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh/TP quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. Trong trường hợp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.
Đặc biệt, ngoài các biện pháp được nêu trong quy định, các tỉnh/TP có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Trường hợp các quy định, hướng dẫn của trung ương không phù hợp, khả thi, các địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn. Cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn phải có chỉ đạo ngay để tháo gỡ vướng mắc, đồng thời nghiên cứu sửa đổi quy định, hướng dẫn.
Địa phương không được làm trái quy định của Trung ương
Đối với việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau. Theo đó, ở cấp độ nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình thì không hạn chế; nguy cơ cao không hạn chế nhưng phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trường hợp ở vùng nguy cơ rất cao thì sẽ bị hạn chế theo hướng là phải tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà.
Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố quyết định các biện pháp hành chính phù hợp bao gồm các quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người,… và có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất.
Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp tại Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Anh