Quảng Nam: Ngư dân rủ nhau đi “đội sóng” hái lộc biển cuối năm
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 03:00, 21/12/2021
Rong mứt được người dân ở đây gọi ví là “lộc trời” vì chỉ mọc tự nhiên trên ghềnh đá chênh vênh. Đây cũng là thời điểm biển động nên việc hái rong rất nguy hiểm, muốn hái được phải chịu rét và “đội sóng” trong suốt nhiều giờ đồng hồ.Hàng năm khi tiết trời chuyển sang thời điểm mưa lạnh, giá buốt (khoảng cuối tháng 10 âm lịch), cũng là lúc mùa đi hái rau rong mứt biển của người dân sống ở đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) được bắt đầu.
Khi trời chuyển lạnh là lúc mùa đi hái rong biển của người dân sống ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành)
Rong biển có tính mát, là nguồn thực phẩm ngon ở xứ đảo Tam Hải được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi mùa rong biển thường kéo dài 3 – 4 tháng, giúp phụ nữ làng biển thu nhập từ 15 – 20 triệu/tháng vào vụ chính.
Chị Đỗ Thị Hoa Mai (thôn Thuận An) cho biết, rong biển thường mọc trên các bãi đá giăng, hoặc gần các bãi đá; các bãi đá ở đảo Hòn Dứa, Hòn Than. Muốn hái rong người ta phải chờ đúng thời điểm thuận lợi. Mùa đông là thời điểm hái rau mứt; mùa hè là thời điểm của rau câu, rau xoa, rau đá, rau xá. Người hái rong phải xem theo mùa và phụ thuộc vào mức độ con sóng to, sóng nhỏ, lúc triều lên và triều xuống mà lặn hái…
Phần lớn thương lái lựa chọn rong tươi sau những buổi trở về từ biển của người hái về phơi khô, đóng gói đưa đi các nơi. Du khách chỉ có thể mua được rong khô đã đóng gói, rong đã qua phiếu (lọc, làm sạch) có giá cao hơn. Rong mứt ở Tam Hải có giá cao nhất, tầm 3 – 3,5 triệu đồng/kg khô, rau xóa 300 – 400 nghìn đồng/kg khô, rau câu tươi chưa qua sơ chế có giá 30 – 50 nghìn đồng/kg, rau chân vịt (rau đá) chưa sạch có giá 170 – 200 nghìn đồng/kg
Đối với phụ nữ làng chài, dù mùa rong biển chỉ kéo dài vài ba tháng (bắt đầu xuất hiện khoảng cuối tháng 10 âm lịch và hết dần vào cuối tháng giêng) nhưng ai cũng coi đó là nghề mưu sinh chính.
Rong mứt là sản vật có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều người coi rong mứt là sâm biển
Bà Nguyễn Thị Xích (57 tuổi, trú thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) cho biết, những năm gần đây, giá rong mứt biển rất cao, dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg. Cũng chính vì được giá nên số lượng người trong xã đi cạo rong mứt biển ngày càng nhiều, thậm chí thu hút người dân các xã lân cận cũng tìm đến hái.
Nếu chịu khó và thời tiết ủng hộ thì chỉ cần vài giờ đồng hồ, người dân có thể kiếm được vài trăm nghìn chi tiêu trong mùa biển động. Còn ai may mắn hơn thì sau một mùa mứt, họ có thể thu nhập lên đến vài chục triệu đồng.
Rong mứt ở thôn Thuận An (xã Tam Hải) là sản vật quý của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều người coi rong mứt là sâm biển. Hiện nay, rong mứt không chỉ bán cho những người dân hay du khách đến chơi đảo mà còn làm quà gửi đến bà con ở nước ngoài.
Ông Mai Lương Quang (53 tuổi, trú thôn Thuận An, xã Tam Hải), người có kinh nghiệm trong việc chế biến rong mứt cho biết, sản phẩm này ở đây rất sạch, có vị mặn đặc trưng của biển. Rong tươi và khô đều dùng nấu canh hoặc làm gỏi rất ngon.
Rong mứt hong khô tự nhiên và được chế biến thành sản phẩm có giá từ 2-3 triệu đồng/ kg
“Giá của rong mứt biển tươi dao động tùy theo mùa ít hay nhiều và chất lượng mứt. Còn đối với mứt hong khô tự nhiên và được chế biến thành sản phẩm có giá từ 2-3 triệu đồng/kg. Trung bình một năm gia đình tôi bán được 10kg rong khô thu nhập từ 20-30 triệu đồng”, ông Quang cho biết.
Sau những lần hái rong mứt biển, người dân lại tràn đầy hi vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn.
Võ Trang