Đặc sắc phiên chợ Đồng Văn
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 07:00, 30/01/2022
Chợ phiên miền đá
Chúng tôi đến Đồng Văn vào một ngày cuối năm Tân Sửu, khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề. Ngay từ chiều thứ Bảy, đã thấy trên đường đến thị trấn lác đác những toán người Mông gùi hàng xuống chợ. Đó là những người đi chợ, vì nhà ở cách xa hàng chục km, nên họ phải đi từ chiều hôm trước. Có người ngủ nhờ nhà người quen để sớm hôm sau kịp ra chợ, nhưng cũng có những người không có người quen thì ngủ ngay trên đường. Từ tờ mờ sáng, đã được chứng kiến trên khắp các ngả đường dẫn về thị trấn Đồng Văn, những dòng người áo váy thổ cẩm nô nức nối bước chân nhau. Những người phụ nữ gùi trên lưng đầy ắp nông sản, rau quả. Nhiều người trên tay bế con gà, hoặc cắp con lợn vào nách hăm hở đi.
Chợ phiên Đồng Văn luôn rực rỡ sắc màu.
Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ Đồng Văn vốn nhỏ bé tĩnh lặng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ của những trang phục thổ cẩm. Chợ Đồng Văn tọa lạc trên khu đất rộng giữa trung tâm thị trấn, nơi thung lũng bốn bề núi đá. Người dân từ bốn bề núi cao đi xuống, nên không gọi là đi chợ, mà nói “xuống chợ”.
Được biết, chợ Đồng Văn gắn liền với khu phố cổ Đồng Văn là khu “thương mại” ra đời sớm nhất trên vùng đất này, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1925 đến năm 1928. Công trình kiến trúc của chợ kết cấu hình chữ U, được thiết kế theo lối kiến trúc Việt – Hoa, có sự giao thoa rất tinh tế, phù hợp với phong thủy miền cao nguyên, núi đá.
Quan sát từ trên cao, chợ phiên bừng sáng sắc màu trang phục các dân tộc như vườn hoa khổng lồ. Màu sắc đó không chỉ từ những sạp vải vóc, quần áo, mà chính là từ trang phục của những người Mông, Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô… Đàn ông đi chợ thường mặc quần áo đen, còn chị em thì xúng xính trong trang phục rực rỡ, những bộ váy truyền thống nhiều màu sắc.
Đến chợ Đồng Văn, cùng với các mặt hàng thổ cẩm, ta có thể tìm mua được những mặt hàng đặc sản của địa phương như: thịt lợn Mẹo, mật ong bạc hà, tam thất, măng, mộc nhĩ, táo mèo, chè shan tuyết, rượu ngô… Chợ phiên không thể thiếu những thức quà đượm vị Hà Giang. Đó là thúng xôi ngũ sắc trắng, vàng, tím, đỏ, xanh. Đó là bánh màn thầu – đặc trưng của người Hoa – được làm từ lúa mì lên men. Đôi khi còn có cả những người đem bán những con dúi béo núc hay những con chim họa mi, những con bìm bịp, tắc kè, những bó rau rừng ngon và lạ miệng…
Ở một góc của chợ là nơi tập trung của những con lợn cắp nách, những con trâu con bò của đồng bào dân tộc, chúng vẫn kêu thét inh ỏi và chạy loanh quanh tới lui, vẫn gắng sức kéo căng cái sợi dây thắt vòng ngang thân mà chẳng hề biết rằng sẽ mãi không thể thoát thân được. Chúng tôi thích thú khi được ngắm nhìn những con chó Mông cộc – giống chó đẹp và rất quý của người bản địa.
Chảo thắng cố sôi sục giữa trời
Ở chợ phiên Đồng Văn có khu vực hàng ăn với những chảo nước phở, chảo nước bún rất to nóng hôi hổi cùng những chai rượu ngô thơm nồng. Những dãy bàn ghế mộc mạc nối tiếp nhau, đàn ông ngồi với đàn ông, đàn bà ngồi với đàn bà, thắng cố được múc ra, rượu ngô rót đầy bát, tiếng cười nói trò chuyện ồn ã. Mục đích đến chợ phiên của đồng bào các dân tộc miền núi rất khác với người Kinh ở dưới xuôi. Nếu chợ dưới xuôi chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng ngày thì ở nơi này, chợ còn là nơi giao lưu, gặp gỡ bạn bè, người thân và cả người yêu sau một thời gian xa cách. Vì vậy, chợ phiên đã trở thành một phần gần gũi và cũng không kém phần thiêng liêng trong đời sống, văn hóa của đồng bào nơi đây. Người dân đến với chợ phiên thường đi cả gia đình, những người phụ nữ trong gia đình mua bán trao đổi hàng hóa, bên cạnh đó là những ông chồng ngồi bên ly rượu ngô tâm sự, rít thuốc lào rồi uống rượu; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ để mua quần áo đẹp rồi ăn đồ ăn ngon; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu kết bạn… Tiếng cười, tiếng nói, lời hát của họ hòa vào tiếng đàn môi, khèn bè lảnh lót, toát lên chất nghệ sĩ dân dã, tâm hồn sảng khoái như núi rừng Tây Bắc.
Trước khi đến phiên chợ Đồng Văn, điều khiến tôi mong muốn nhất là ngồi ăn một bát thắng cố. Món ăn này vô cùng nổi tiếng, được đọc nhiều trên báo chí và các áng thơ văn, đến mức người xuôi hình dung như món ăn hồn cốt của người vùng cao.
Trong tiếng Mông gọi thắng cố là Khấu Tha, có nghĩa là canh thịt, bao gồm lục phủ
ngũ tạng của ngựa, bò, trâu hoặc dê.
Đi qua khu vực hàng ăn ở chợ Đồng Văn, chứng kiến hàng chục chiếc chảo đang sôi sùng sục, tôi hỏi: có phải chảo thắng cố? Các chủ hàng lắc đầu bảo, không phải, rồi chỉ cho tôi lối đi đến chảo thắng cố ở tận sâu tít bên trong. Tới nơi, chứng kiến hàng chục người Kinh đang vây quanh chảo thắng cố để chụp ảnh. Có lẽ họ đều là những người từ dưới xuôi lên tham quan du lịch.
Ông Sùng Mí Lử, chủ nhân của chảo thắng cố cho biết, trong tiếng Mông gọi thắng cố là Khấu Tha, có nghĩa là canh thịt, bao gồm lục phủ ngũ tạng của ngựa, bò, trâu hoặc dê. Lấy lục phủ ngũ tạng và bốn chi dưới của con bò đem rửa sạch rồi thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay, ướp mắm muối, hạt tiêu, dổi, sả, gừng và đun nước sôi thì thả thịt vào ninh cho đến khi chín đều, ăn còn cái giòn giòn của miếng thịt thì cắt tiết đã được đánh đông thành những miếng vuông nhỏ đổ vào, đảo đều khi tiết chín là được.
Quan sát rất nhiều bàn ăn, những bát thắng cố được bưng đến. Thực khách trẻ có, già có, đàn ông có, nam thanh nữ tú có, họ chưa vội ăn ngay mà thay phiên nhau chụp ảnh bát thắng cố, rồi “livestream” trên mạng xã hội. Hầu như, khách hàng chỉ động đũa chút ít, rồi đứng dậy để nguyên những bát thắng cố còn nghi ngút khói.
Chúng tôi cũng gọi một bát thắng cố, ăn cùng xôi thổ cẩm vừa mua được từ một hàng gần đó. Tôi hít hà bát nước béo ngậy thơm mùi thảo quả nghi ngút hơi nước và cả hơi sương từ núi cao giữa ngày giá lạnh. Cảm nhận mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, quyện với vị béo ngậy của thịt làm lòng mình vô cùng ấm áp. Nhưng khi múc muỗng thắng cố đưa lên miệng, cái mùi vị gây gây của nội tạng ngựa khiến tôi cảm giác khó nuốt. Có lẽ mình chưa quen với khẩu vị của người miền cao núi đá. Nói với nhau vậy, rồi chúng tôi đứng dậy, để lại nguyên bát thắng cố còn đang bốc khói như các đoàn khách khác. Khi trả tiền xong, thật bất ngờ, ông chủ bán thắng cố bê nguyên bát của chúng tôi trút hết vào chảo thắng cố.
Về khách sạn, khoe chuyện ăn thắng cố. Anh Hiền, chủ khách sạn cho hay, xưa người Mông, Dao, Tày, Nùng… đến chợ bao giờ cũng ăn thắng cố. Nhưng, ngày nay, người bản địa đến chợ rất ít người ăn thắng cố. Bởi vì, bây giờ hiểu biết về an toàn thực phẩm đã đến với nhiều người dân tộc thiểu số, nên họ không muốn ăn thức ăn thừa của người khác. “Chúng tôi chỉ ăn thắng cố khi mình tự nấu. Còn ở chợ, khách đến sau sẽ được “ăn lại” đồ thừa của khách đến trước. Vì vậy, mỗi phiên chợ, cả chợ chỉ còn một chảo thắng cố. Chảo thắng cố đó rất đông khách, chủ yếu là khách du lịch. Người Kinh từ dưới xuôi lên, đến chợ ai cũng muốn vào đây để ăn thắng cố, không phải vì họ thèm món ăn này mà chỉ ăn một lần cho biết. Bây giờ, khách hàng đến gọi món thắng cố không phải để ăn, mà chủ yếu để chụp ảnh đưa lên Facebook… Một chảo thắng cố bán từ sáng đến chiều, người ta bán từ hàng trăm đến ngót nghìn bát, thế nhưng hết phiên chợ vẫn còn gần đầy. Bán thắng cố như thế cũng kiếm bộn tiền”, anh Hiền nói.
Dù thế nào, Chợ phiên Đồng Văn vẫn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng cao nguyên đá Hà Giang, ẩn chứa những nét độc đáo khó trộn lẫn với bất cứ chợ nào khác.
Chu Minh Khôi