Làng bánh chưng Tranh Khúc nhộn nhịp những ngày cuối năm
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 08:30, 26/01/2022
Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô. Kinh tế suy thoái, nhiều làng nghề truyền thống lâm vào tình cảnh khó khăn vì không tìm được đầu ra nhưng làng Tranh Khúc vẫn sống khỏe do tâm lý cả năm mới có một cái Tết, mà Tết thì không thể thiếu bánh chưng. Bánh chưng đã trở thành lễ vật và món ăn không thể thiếu trên bàn thờ và mâm cơm mỗi gia đình vào dịp Tết đến Xuân về. Dù là một xã nằm ngoài đê nhưng những ngày này tại Tranh Khúc lại nhộn nhịp lạ thường. Ngoài đường, từng chồng bánh chưng xanh xếp la liệt. Trong nhà, từ ngoài ngõ vào đến sân, màu xanh của lá dong, màu trắng của gạo bày kín lối đi. Người già, người trẻ hối hả rửa lá, vo gạo, gói bánh, luộc bánh. Gần sáng bánh được vớt ra ép cho sạch nước, đóng gói chân không để lên xe xuất đi. Chỉ vài giờ sau, bánh chưng làng Tranh Khúc đã có mặt ở hầu hết các chợ, siêu thị tại Hà Nội và các gia đình.
Nguyên liệu tươi ngon làm nên tên tuổi bánh chưng Tranh Khúc
Làng Tranh Khúc hiện có hơn 200 hộ thì đến 70% hộ dân làm nghề gói bánh chưng. Làng làm bánh quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là dịp Tết. Bình thường mỗi nhà chỉ làm 50 – 100 chiếc mỗi ngày thì dịp gần Tết phải 500 chiếc, có nhà làm 1.500 chiếc một ngày. Chị Nguyễn Thị Hương, người làng Tranh Khúc cho biết: Ngày thường nhà tôi thường làm 100 chiếc cho các đại lý và các chợ ở Hà Nội. Nhưng khoảng nửa tháng gần Tết và đặc biệt là vào dịp ông Công ông Táo cho đến Giao thừa, phải thuê nhân công làm lượng bánh gấp 8 – 10 lần ngày thường. Bánh ra lò đến đâu hết đến đó. Làm bánh có nhiều công đoạn, lại làm nhiều nên nhà nào cũng phải huy động hết các thành viên trong gia đình. Người già, trẻ em không làm việc nặng thì rửa lá, xếp lá, đánh nhuyễn đỗ, mỗi người mỗi việc. Thế nên mới nói Tết đến với làng bánh chưng sớm hơn mọi nơi, từ trước ngày cúng ông Công, ông Táo bánh chưng đã xanh khắp cả làng, những ngày này cả làng gần như không ngủ, luộc bánh suốt đêm khiến cho không khí Tết tràn ngập.
Người dân làng Tranh Khúc nhộn nhịp làm bánh chưng đón Tết
Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng thơm ngon là do cách làm bánh tại đây mang tính gia truyền, rất khó “học lỏm”. Chia sẻ với chúng tôi ông Nguyễn Văn Thanh, trưởng thôn Tranh Khúc cho biết: Nghề làm bánh chưng ở làng đã có từ lâu lắm rồi, không biết ai là ông tổ, chỉ biết là cha truyền con nối, từ đời này sang đời khác. Và để làm nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc chính là nhờ cái tài và tâm của người làm bánh. Người làm bánh chưng không chỉ cần mẫn, thức khuya dậy sớm mà còn phải tỉ mẩn trong từng công đoạn, từ khâu chọn lá, vo gạo đến thổi đậu, chọn thịt, gói và luộc bánh. Ví như lá dong thì phải chọn lá thật xanh, tươi, được lấy từ trên rừng ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… Sau đó lá phải rửa thật sạch, có vậy mới giữ bánh được lâu, không bị thiu. Gạo thì nhập từ những quê gạo có tiếng như: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương. Toàn bộ là gạo nếp ngon, nếu gạo không ngon chất lượng bánh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thịt lợn được lấy tại địa phương, chủ yếu là thịt nạc mông, vai nhưng ngon nhất vẫn là thịt ba chỉ. Điều quan trọng nhất với người làm bánh chính là khi gói phải thật chặt tay và lúc luộc phải điều chỉnh nước và lửa. Có vậy khi thưởng thức bánh mới có thể cảm nhận được vị ngậy từ đậu,vị béo từ thịt và vị dẻo bùi từ gạo.
Tại mỗi vùng miền khác nhau bánh chưng cũng sẽ có những cách làm có đôi chút khác biệt, làng nghề Tranh Khúc đều phục vụ một cách đầy đủ, miễn là khách hàng có nhu cầu. Anh Nguyễn Ngọc Sơn từ nhỏ đã làm nghề gói bánh theo nghiệp của gia đình cho biết: “Ngoài những loại bánh chưng truyền thống, chúng tôi cũng nhận những đơn hàng đặc biệt như bánh chưng ngọt, bánh chưng có nhân là cá hồi, thịt bò, thịt gà. Đặc biệt còn có những đơn hàng làm chiếc bánh có kích thước lớn, to bằng 4 viên gạch lát nền, nặng hàng chục kilogam”. Chắc có lẽ với những đơn hàng lên tới 3.000 chiếc một ngày nên cách luộc bánh cũng không hề giống cách thông thường. Tại những cơ sở luộc bánh chưng, có tới vài chiếc nồi có hình vuông, mỗi chiếc luộc được 1 lúc từ 400 đến 600 chiếc bánh. Không dùng củi, cũng chẳng dùng than mà dùng hoàn toàn bằng điện.
Nói về vệ sinh, việc sử dụng điện để luộc bánh chưng sạch hơn nhiều so với luộc bằng than hay củi như truyền thống. Cùng với đó những chiếc nồi điện luộc sẽ làm bánh rền hơn và mỗi khi luộc chỉ cần bật điện nồi sẽ luộc hàng chục giờ theo lượng nhiệt đã định sẵn, còn dùng than thì sau 7 tiếng là phải thay than một lần. Dù bận rộn cung cấp bánh cho Tết, nhưng những người dân Tranh Khúc vẫn đảm bảo quy trình làm ra chiếc bánh chưng phải thực hiện đầy đủ và đảm bảo vệ sinh. Cầm chiếc bánh chưng thành phẩm trên tay không ít người sẽ phải trầm trồ vì sự khéo tay của những người thợ.
Những ngày trời lất phất mưa bay, về làng Tranh Khúc, đi giữa hương thơm của bánh chưng, thấy mùa Xuân, thấy Tết đã về thật gần. Những chiếc bánh chưng mang về, đặt ngay ngắn lên bàn thờ gia tiên, thắp nén hương trầm, mời ông bà tổ tiên về ăn một cái Tết ấm cúng, sum vầy.
Làng bánh chưng nhộn nhịp đến hết ngày 29 Tết để chuẩn bị đón năm mới. Sau đó nửa tháng, làng lại bắt đầu những mẻ bánh mới cho rằm tháng Giêng. Cứ thế, 365 ngày trôi qua, trong hương thơm bánh chưng cổ truyền, lễ Tết, giỗ chạp, ngày rằm, mùng Một, cưới hỏi, lúc nào cũng cần những chiếc bánh chưng.
Về làng Tranh Khúc những ngày cuối năm sẽ cho chúng ta cảm nhận được không khí của Tết đang đến rất gần. Một mùa Xuân lại đang về trên khắp làng quê.
Trần Đức