Nghị quyết 128 bước ngoặt về chiến lược ứng phó dịch bệnh Covid-19

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 00:30, 05/02/2022

Moitruong.net.vn – Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã và đang đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả tích cực, nhất là trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh.

Dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới thay đổi, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống bình thường và làm thay đổi rất nhiều về quan điểm sống của mọi người. Quan điểm và chiến lược về phòng, chống dịch của Tổ chức Y tế Thế giới cũng thay đổi rất căn bản. Đó là, từ chiến lược Zero Covid (tức tiêu diệt triệt để Covid-19) chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

Chiến lược vắc xin là giải pháp cấp bách và lâu dài trong phòng chống dịch Covid-19

Từ những trận dịch và đại dịch trước đây, các nhà dịch tễ học đã nghiên cứu để tạo ra những công thức phòng, chống dịch gần như bất di bất dịch là: Phát hiện – phong tỏa – truy vết – cách ly – điều trị – dập dịch. Thời gian đầu, chúng ta đã áp dụng và có một số thành công nhất định khi thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo công thức này. Tuy nhiên, khi các biến chủng mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, nhiều đợt dịch tưởng chừng đã được kiểm soát và khống chế lại bùng phát dữ dội khắp nơi với tốc độ và quy mô ngày càng lớn hơn, bất chấp những nỗ lực tối đa của các quốc gia, để lại nhiều hệ lụy và hậu quả vô cùng to lớn. Chúng ta không thể cứ tiếp tục sàng lọc diện rộng trong cộng đồng, không thể cách ly kéo dài, không thể phong tỏa mãi được vì nó làm cho nền kinh tế không thể phát triển, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống dịch ngày càng cạn kiệt, mọi hoạt động xã hội vẫn cứ đóng băng… Điều này buộc chúng ta phải suy nghĩ, thay đổi quan điểm, chiến lược cho việc phòng, chống dịch Covid-19, phải thích ứng với dịch Covid-19, tức là chấp nhận có số ca mắc Covid-19 nhất định trong cộng đồng để tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, hoạt động sinh hoạt của người dân, tức là cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ, nhất là làn sóng thứ 4 ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội, để lại nhiều hệ lụy. Trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt với những quyết định kịp thời, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, chuyển trạng thái rất nhanh, trong đó, xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”. Nghị quyết đã đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch áp dụng thống nhất trên toàn quốc, là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ trong tình hình mới được đông đảo người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.

Các địa phương đã trỉn khai thống nhất, đồng bộ Nghị quyết 128, hướng tới trạng thái “bình thường mới”

Mặc dù tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc nhưng nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh mới vẫn rất cao: Số ca mắc đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do các ổ dịch tập trung tại các địa bàn đông dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus, đồng thời, sự xuất hiện biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm và kháng thể mạnh hơn cũng gây nhiều lo ngại. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra thách thức không nhỏ đến các chính sách phòng chống dịch và nỗ lực phục hồi nền kinh tế của nước ta.

Cần nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh trước diễn biến dịch bệnh; bình tĩnh, sáng suốt, tỉnh táo để chuyển trạng thái phòng, chống dịch; tuyên truyền cho người dân hiểu trong chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì ưu tiên hàng đầu vẫn là tính mạng, sức khỏe của người dân nhưng đồng thời không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Để đạt được cả hai mục tiêu này thì bản thân mỗi người dân, doanh nghiệp cần chủ động, tự giác thực hiện, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; các cấp chính quyền cần phải hỗ trợ người dân có kỹ năng ứng phó trong tình hình mới, giúp người dân tự nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng dịch bệnh, tự xét nghiệm, chuẩn bị sức khỏe thể chất và tinh thần để vượt qua dịch bệnh, tránh hoang mang, thiếu tin tưởng vào các chính sách chống dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà nước.

Với những nỗ lực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nước ta sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, vừa thích ứng an toàn với dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhật Lam

Nhật Lam