Du xuân về xứ Đào Thục: Thưởng thức nghệ thuật múa rối nước truyền thống
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 13:00, 04/02/2022
Nghệ thuật bước ra từ làng mạc, ruộng đồng
Đào Thục thuộc xã Thụy Lâm, Đông Anh, TP Hà Nội là một ngôi làng ven đô thuần nông. Chính vì vậy mà các nghệ nhân rối nước ở đây đều là người làm ruộng, chân lấm tay bùn. Chia sẻ về điều này ông Nguyễn Văn Phi, nghệ nhân chế tác quân rối thôn Đào Thục cho biết: “Điều đặc sắc, độc đáo làm nên sự khác biệt giữa rối nước Đào Thục với các phường rối khác là người dân có thể làm hết các công đoạn đối với môn nghệ thuật dân gian truyền thống này. Thêm vào đó, tất cả những nghệ nhân múa rối nước Đào Thục đều là những người thuần nông. Vì vậy, sau những ngày tháng lao động chân tay vất vả, họ dùng chính nghề truyền thống múa rối nước để mua vui. Được biết, người dân giữ được nhiều trò cổ từ cổ tích đến dân gian. Có khi là cùng một trò có đến 5 – 7 nghệ nhân biểu diễn nhưng đều rất thuần thục, điêu luyện”.
Môn nghệ thuật múa rối nước là sản phẩm trí tuệ của người nông dân, biểu trưng của nét văn hóa truyền thống, thể hiện sinh động về cuộc sống sinh hoạt ở làng quê, nông thôn khu vực Đồng bằng Bắc bộ xưa, gắn liền với nền văn minh lúa nước. Chẳng thế mà những con rối xứ Đào Thục dù mộc mạc nhưng lại có hồn, bởi xuất phát từ chính những điều bình dị, gần gũi nhất.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ thêm: Hằng năm khi chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, rất đông du khách trong và ngoài nước đến với phường rối Đào Thục để thưởng thức nghệ thuật rối nước truyền thống và trải nghiệm làm rối.
Những con rối xứ Đào Thục dù mộc mạc nhưng lại có hồn, xuất phát từ chính những điều bình dị, gần gũi nhất
Nói về sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân múa rối nước, ông Đặng Minh Hưng, trưởng phường múa rối nước Đào Thục nói: “Qua các thế hệ, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục thể hiện nét đặc sắc riêng, kể cả rối dây, rối xào, rối đống đều kết hợp và phát triển hài hòa với nhau. Nhiều khán giả xem mà không hình dung được vì sao người cách xa con rối mà vẫn điều khiển được, ngỡ như các nghệ nhân múa rối nước đang làm xiếc. Với con rối của Đào Thục, khi ra khỏi mành, để biểu diễn cho khán giả xem có thể đi thẳng tiến, quay mặt lại để đi vào chứ không phải đi lùi”.
Được biết, hàng năm có 4 ngày mà người dân và du khách được xem phường múa rối Đào Thục biểu diễn gắn với 4 lễ hội cố định vào các ngày âm lịch: Lễ hội Cổ Loa – mùng 5-6 tháng Giêng, lễ hội Tết Lại thôn Đào Thục – mùng 10 tháng Giêng, lễ hội gắn với giỗ cụ tổ nghề rối nước Đào Đăng Khiêm – 24 tháng Hai và ngày 13 tháng Mười Một – lễ hội đình đám của thôn Đào Thục.
Múa rối nước Đào Thục lưu giữ hồn quê Việt còn mãi với thời gian
Gắn bó với công việc chế tác rối nước gần 10 năm nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi tâm sự, người dân thôn Đào Thục khi sinh ra đã có niềm đam mê với nghề làm rối nước, nghề truyền thống này đã ăn sâu vào máu thịt, tâm hồn người dân Đào Thục.
Cùng chung cảm xúc với nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, ông Đặng Minh Hưng chia sẻ, ông được cha của mình truyền lại nghề rối nước, nên sau khi nghỉ hưu, không còn công tác trong ngành công an, ông đã về địa phương tiếp tục gắn bó và phát triển phường rối với mong muốn có thể bảo tồn và truyền lại nghề cho các thế hệ con cháu sau này.
Người dân Đào Thục luôn tự hào vì được sinh ra, lớn lên và bảo tồn nghề truyền thống. Các thế hệ những người con Đào Thục đều tiếp nhận và phát triển nghề rối nước mà ông cha để lại bằng lòng đam mê, tâm huyết của mình. Nhắc đến Đào Thục ai ai cũng hãnh diện vì nơi đây là cái nôi của rối nước không chỉ ở Hà Nội mà cả vùng đồng bằng Bắc bộ, có cách đây 300 năm trước, từ thời vua Lê Hy Tông có cụ Nguyễn Đăng Vinh, tức Đào Đăng Khiêm làm quan trong triều, theo mệnh lệnh của nhà vua mang rối nước về truyền bá tại quê hương Đào Thục, được gìn giữ và phát triển đến ngày nay.
Có thể nói, mảnh đất nơi đây chính là nơi sản sinh ra nghề rối nước, nghề truyền thống có gốc gác, có cụ tổ nghề, có nhà bia, nhà tryền thống. Các thế hệ cha ông luôn yêu nghề và truyền lại cho những thế hệ con cháu đời sau là điều khiến mỗi người con Đào Thục thấy được sự cần thiết của việc bảo tồn di sản mà lớp người đi trước truyền lại.
Trong mọi hoàn cảnh, điều kiện thì người dân phường múa rối nước Đào Thục vẫn bằng cách này hay cách khác bảo tồn và phát triển nghề
Điều này được thể hiện rõ qua lời kể của cụ Đinh Thế Văn, người anh hùng của làng rối nước – một trong những nghệ nhân múa rối nước cao tuổi nhất nhì xứ Đào Thục. Cụ được cha của mình cũng là nghệ nhân múa rối nước nổi tiếng truyền lại nghề từ khi cụ mới 5 tuổi. Do vậy trước khi tham gia công tác trong quân đội và sau khi về nghỉ hưu tại quê nhà, cụ Văn thường gắn bó với phường rối trong các cuộc biểu diễn xa gần. Khi nghề rối có phần mai một, cụ Văn cùng các cụ nghệ nhân khác luôn trăn trở tìm cách để khôi phục phường rối của làng. Ý chí quyết tâm, lòng đam mê và tâm huyết với giá trị truyền thống đã thôi thúc cụ Văn có những việc làm cụ thể. Cụ Văn kể lại, việc đầu tiên là cụ cùng các nghệ nhân khác tạo dựng thủy đình để có một nơi cho các nghệ nhân tập luyện, biểu diễn cho bà con đến xem. Ngay sau đó phường múa rối Đào Thục đã thu hút được đông đảo du khách xa gần, đại sứ quán các nước tại Hà Nội, các trường mầm non, trường phổ thông các cấp đã tới đây xem biểu diễn múa rối nước. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, theo cụ Văn, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập, nền kinh tế thị trường phát triền, cần có phương án để thu hút lớp người trẻ trong làng có thể gắn bó với nghề truyền thống. Theo đó, những người ở thế hệ của cụ và các thế hệ kế tiếp đã tích cực tuyên truyền, giáo dục cho con cháu hiểu rằng gắn bó với nghệ thuật múa rối nước phải có cái tâm, phải hiểu được giá trị của nghệ thuật truyền thống mà ông cha đã dày công gìn giữ quý biết nhường nào. Cứ như vậy, đời này qua đời khác, nghề múa rối nước được lưu truyền và phát triển đến ngày nay theo dòng chảy của thời gian.
Không phụ công người trồng cây, ngày được hái trái ngọt chính là khi rối nước Đào Thục không chỉ nổi tiếng với du khách mọi miền Tổ quốc mà môn nghệ thuật dân gian này còn có mặt biểu diễn khắp các nước Á, Âu từ Trung Quốc đến Thái Lan, rồi Hà Lan…
Các thế hệ sau này như nghệ nhân Nguyễn Văn Phi chia sẻ, nghề chế tác quân rối nước không phải là nghề để phát triển kinh tế gia đình, mà những người như ông gắn bó bằng niềm đam mê, cái tâm cùng sự tự hào về truyền thống của làng. Do vậy, trong mọi hoàn cảnh, điều kiện thì người dân phường múa rối nước Đào Thục vẫn bằng cách này hay cách khác bảo tồn và phát triển nghề. “Những lúc không bận việc nhà nông, chúng tôi thường bỏ khuôn rối ra sửa, tâm sự với nhau về nghề”, nghệ nhân Nguyễn Văn Phi cho biết.
Trong không khí hân hoan đón chào mùa Xuân mới, tin vui đã đến với người dân làng rối Đào Thục. Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội đã về thu thập thông tin, ghi hình, phỏng vấn làm hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước đưa rối nước Đào Thục vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Lương Nguyễn