Hà Tĩnh: Tết đến Xuân về với những ngư dân vươn khơi bám biển trong mùa dịch Covid-19

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 04:00, 04/02/2022

Moitruong.net.vn – Những ngày cuối năm, mặc dù hương Xuân đã cận kề nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhưng ở nhiều xã vùng biển của tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngàn ngư dân vẫn tiếp tục nhổ neo căng buồm vươn khơi bám biển, vượt qua đại dịch sẵn sàng đón Xuân giữa con nước trùng khơi với niềm tin thắng lợi của một năm bội thu.

Không khí tấp nập tàu thuyền của ngư dân ra vào mang theo nhiều tấn hàng hải sản phong phú, phục vụ cho thị trường Tết

Bảo đảm phòng chống dịch bệnh, ngư dân quyết tâm ra khơi bám biển

Những ngày cuối năm, ở các bến cảng của Hà Tĩnh, không khí tấp nập tàu thuyền của ngư dân ra vào mang theo nhiều tấn hàng hải sản phong phú, phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Đa số tàu thuyền sau khi xuất hàng lại tiếp tục khai báo y tế, chăm sóc sức khỏe, chuẩn bị lương thực thực, thực phẩm, thuốc men dự phòng tiếp tục cho chuyến hành trình tiếp theo. Và hành trình lần này của họ đúng vào dịp cả dân tộc vui Tết đón Xuân, chào đón năm mới, Xuân Nhâm Dần 2022.

Có mặt tại nhiều vùng biển bãi ngang, cảng cá dọc ven biển tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng chúng tôi nhận thấy công tác phòng chống dịch bệnh của Ban quản lý các cảng cá và bà con ngư dân đã làm rất tốt, yên tâm ra khơi, mang nguồn lợi thủy hải sản về phục vụ đất liền. Qua trao đổi, nhiều ngư dân cho rằng, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con, giá cả hải sản giảm nhiều so với trước. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh cũng như trách nhiệm nghề nghiệp, mỗi ngày hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh vẫn liên tục vươn khơi, bám biển.

Trao đổi với PV Môi trường và Cuộc sống, ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban quản lý (BQL) các cảng cá Hà Tĩnh cho biết “Năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Cảng cá là một nơi có nguy cơ lây nhiễm rất lớn khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt người và phương tiện trong và ngoài tỉnh vào kinh doanh buôn bán, việc kinh doanh thường tụ tập đông người, ý thức người dân còn hạn chế, chủ quan. Để phòng chống dịch, Ban đã xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn. Tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ người và phương triện ra vào cảng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của cơ quan y tế, hướng dẫn khai báo y tế và nhắc nhở, xử lý các trường hợp không thực hiện quy định phòng chống dịch. Những hoạt động đó đã góp phần kiểm soát tốt các hoạt động trong cảng, phòng chống dịch an toàn. Những ngày cuối năm, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có chiều hướng giảm mà còn nhiều nguy cơ cao. Vì vậy BQL luôn tập trung cao để đảm bảo cho bà con ngư dân ra khơi, bám biển, vào ra cảng kinh doanh buôn bán an toàn, hiệu quả”.

Ngư dân cùng vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục căng buồm thả lưới đón nhận những mẻ cá đầy khoang

Sáng sớm tinh mơ, tại Cảng Cửa Sót thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hàng trăm lao động với thân hình rắn rỏi, làn da rám nắng bịn rịn chia tay người thân, gia đình ra khơi bám biển. Lần này họ vượt qua đại dịch để ra khơi mang nguồn lợi hải sản về phục vụ đất liền khi Tết cổ truyền đang cận kề. Với ngư dân Hà Tĩnh, xa nhà đón Tết trên biển không chỉ là mưu sinh mà trên tất cả đó chính là trách nhiệm với nghề nghiệp, tình yêu với biển, yêu đất nước, là những “cột mốc di động” khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

Anh Lê Quang Bảo 45 tuổi, tâm sự “Năm nay dịch Covid-19 phức tạp, chúng tôi đi biển về bán giá cũng không được như những năm trước. Tuy nhiên được sự tuyên truyền, hướng dẫn của BQL các cảng cá Hà Tĩnh về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác phòng chống dịch, cộng thêm ý thức của bà con nên chúng tôi cũng yên tâm. Dịch bệnh, giá cả hải sản bị giảm, nhưng chúng tôi vẫn vượt lên hoàn cảnh để cùng nhau bám biển. Chuyến đi lần này, thuyền chúng tôi gồm 12 thuyền viên sẽ đón giây phút Giao thừa trên biển. Xa nhà, xa người thân, anh em động viên nhau cùng vượt qua hoàn cảnh để tiếp tục căng buồm thả lưới đón nhận những mẻ cá đầy khoang”.

Đón Xuân trên biển góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia

Đón Tết trên biển không còn xa lạ với ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Hà Tĩnh nói riêng. Trong khi khắp nơi, mọi người hồ hởi chuẩn bị sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng, mua sắm vật dụng để chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc, thì hàng trăm người con của biển cả lại dong thuyền ra khơi. Căng buồm giữa độ Xuân về, với họ không chỉ là công việc mưu sinh mà là tình yêu đất nước, trách nhiệm của công dân trong việc gìn giữ “cột mốc chủ quyền trên biển” của quốc gia.

Xác định chuyến ra khơi lần này là chuyến đi rất đặc biệt, vì vậy hầu như các chị, các mẹ ở nhà đã chuẩn bị cho chồng, cho con trai nhiều lương thực, thực phẩm ngon hơn, nhiều sản vật mang hương vị Tết đặc trưng của vùng miền, và đặc biệt không thể thiếu là mâm cúng Giao thừa, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những ngư cụ truyền thống, lần này trên mỗi con tàu đều có thêm chú gà trống, bánh chưng xanh, gạo nếp, dưa hành…để các ngư dân cùng nhau vui Tết đón Xuân trên biển trời quê hương.

Những con thuyền ra khơi dịp Tết đến đều được trang hoàng lại đẹp hơn, đặc biệt là lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng luôn được thay mới

Anh Trần Văn Hạo, người được xem là có thâm niên trong việc đón Tết trên biển tâm sự “Tết đến Xuân về, có ai là không muốn được bên cạnh vợ con gia đình. Nhưng cuộc sống ngư dân là vậy, chúng tôi quen với cảnh này rồi cô ạ! Tuy nhiên cứ dịp này theo con nước đa số tàu thuyền nào ra khơi đều mang về hải sản đầy thuyền đầy khoang, ai cũng hồ hởi hi vọng một năm bội thu ấm no hạnh phúc”.

Những con thuyền ra khơi dịp Tết đến đều được trang hoàng lại đẹp hơn, đặc biệt là lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng luôn được thay mới. Ngư dân Hoàng Văn Chí cho biết: “Với ngư dân chúng tôi, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước biển trời bao la mới chính là điều linh thiêng nhất. Tàu thuyền có thể phai màu sơn, nhưng lá cờ trên nóc tàu lúc nào cũng tươi thắm. Lá cờ Tổ quốc là niềm kiêu hãnh, tự hào, khẳng định đây là ngư trường, là vùng biển của mình, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của quốc gia trên biển”.

Đằng sau những giọt mồ hôi mặn mòi của mỗi ngư dân là niềm kiêu hãnh của người dân vùng biển. Bình minh trên bến cảng, những con tàu thơm mùi sơn mới lại rẽ sóng vươn khơi bám biển giữa ngư trường, tung bay lá cờ đỏ sao vàng trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Cầu mong những con tàu xuyên Tết sẽ có nhiều “lộc biển” trong năm mới, họ là những người con đất Việt tiếp tục cùng với các lực lượng chức năng giữ bình yên vùng biển đảo, chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam.

Ngọc Trâm

Ngọc Trâm