Tây Giang (Quảng Nam): Điểm sáng trong sắp xếp, ổn định dân cư tránh tác động của thiên tai, bão lũ
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:00, 23/03/2022
Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, chia cắt; có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống; vào mùa mưa bão, lũ ống, lũ quét thường xuyên xuất hiện gây nguy cơ sạt lở, thiệt hại lớn về người, tài sản… Yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của huyện Tây Giang là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế- xã hội để ổn định đời sống nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang- Lê Hoàng Linh chia sẻ: “Do địa hình nhiều đồi núi cao và sông suối, đặc biệt dân cư sống không tập trung mà phân tán trên các đồi núi, triền sông . Cùng với đó tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở vào mùa mưa thường xuyên xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và đây luôn là nỗi lo hiện hữu, thường trực đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải khẩn trương tìm giải pháp để khắc phục càng sớm, càng tốt”- đồng chí Lê Hoàng Linh cho biết.
Với quan điểm “an cư lạc nghiệp” để người dân có nơi ở ổn định, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời tạo điều kiện để địa phương và người dân tập trung cho phát triển kinh tế hộ gia đình, qua nhiều kỳ đại hội Đảng bộ huyện và trước đó là nhiều hội nghị, hội thảo tranh thủ các ý kiến của các cấp, các ngành, các tổ chức, tranh thủ sự ủng hộ của già làng, người có uy tín, ý kiến thống nhất của người dân và chính quyền các địa phương; … Cuối cùng, “với quyết tâm chính trị cao, từ tháng 6/2006, Tây Giang đã tìm ra hướng đi và bắt tay vào giải quyết bài toán khó khăn của mình với nỗ lực cao nhất là tập trung sắp xếp bố trí dân cư phù hợp với địa hình núi cao và truyền thống văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu”- đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ.
Các làng tái định cư tập trung được đầu tư hạ tầng, đời sống người dân đã ổn định hơn.
Được biết, vào tháng 6/2006 khi Tây Giang bắt tay vào khảo sát, lập quy hoạch, san ủi mặt bằng, yếu tố bắt buộc phải giải quyết đầu tiên là “Bố trí dân cư ở tập trung”. Đồng thời, địa điểm khởi động đầu tiên là thôn Pơr’ning, xã Lăng.
Từ đó, tiêu chí để chọn mặt bằng triển khai san ủi được địa phương thực hiện bài bản theo 05 bước, đảm bảo các phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào địa phương. Trong đó, bước thứ nhất là vị trí được chọn nơi lập làng mới phải đảm bảo an toàn, do nhân dân chọn thông qua việc tỏ chức họp xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm trong thôn; chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt.
Thứ hai là nơi đặt làng mới phải phù hợp với văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu, gắn đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất khu vực biên giới, có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) và các thiết chế văn hóa như phòng học mầm non, sân thể thao….
Thứ ba, làng mới phải gần khu sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch tập trung, từng bước chấm dứt tình trạng thả rông gia súc trong khu dân cư, tránh dịch bệnh.
Thứ tư, đầu tư cho việc san ủi ban đầu tuy lớn nhưng sẽ tạo được mặt bằng rộng cho công tác xây dựng các công trình dân sinh cần thiết trong khu dân cư, phát huy hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách nhà nước.
Thứ năm là ưu tiên đầu tư đối với những thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, người dân đồng thuận hưởng ứng, sẽ tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng của các thôn khác.
“Từ những nỗ lực và cách làm trên, đến nay Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích 370,5ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ/19.000 khẩu (tỷ lệ đạt hơn 90% tổng số hộ trong toàn huyện); tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Song song với hình thành mặt bằng là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) và các mô hình phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi.… nhằm mục tiêu vừa ổn định nơi ở (an cư) gắn với ổn định cuộc sống, từng bước phát triển (lạc nghiệp)”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết thêm. Mô hình này bước đầu phát huy tác dụng tích cực, trong đó về phía người dân đã có cuộc sống ổn định, chấm dứt cuộc sống du canh du cư và nỗi lo từ thiên tai, sạt lở vơi đi, tăng thêm nhiều cơ hội được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
Về phía các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương: Việc xây dựng các làng tái định cư tập trung này sẽ thuận lợi trong công tác quản lý xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; bởi khi nhân dân ở tập trung sẽ hạn chế tình trạng người dân bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống người dân thêm phần thuận lợi và tiết kiệm (trước đây người dân ở rải rác các triền đồi, huyện không đủ nguồn lực đưa hạ tầng thiết yếu đến với người dân được).
Ở làng mới, người dân có nhà cửa khang trang, hạ tầng tốt, điều kiện sinh hoạt được quan tâm đầu tư
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Hiện các khu dân cư tuy đã hình thành nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên một số điểm dân cư chưa có đường bê tông đi lại, thiếu nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, một số dịch vụ cần thiết như mạng điện thoại, internet chưa đảm bảo; điều kiện sản xuất, thu nhập, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều hộ nhà cửa còn tạm bợ, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao so với toàn tỉnh.
Mặc dù có những khó khăn nhất định như vậy, nhưng kết quả từ những nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Tây Giang thời gian qua cho thấy chủ trương tái định cư tại các làng mới có mặt bằng tập trung, ổn định là bước đi đúng hướng, cần được nhân rộng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, chưa cần bàn cụ thể vấn đề kết quả phát triển kinh tế- xã hội, chỉ riêng nhìn từ thực tế mùa mưa bão khốc liệt năm 2020- 2021 vừa qua cũng đủ cho thấy mô hình này của Tây Giang khá hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi trước diễn biến thời tiết, thiên tai bất thường. Cụ thể, Tây Giang không có thiệt hại về người, những thiệt hại khác không đáng kể.
Tuy nhiên, “Để những khu dân cư này ổn định, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện thời gian tới, Tây Giang rất cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, nhất là việc tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Nam”- Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang kiến nghị.
Vũ Thành