Nghệ An: Nghi Lộc đón bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 09:54, 02/05/2022
Tham dự buổi lễ có ông: Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đại diện các Bộ, ban, ngành, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương; đại diện lãnh đạo Quân khu 4.
Về phía tỉnh Nghệ An có các ông: Thái Thanh Quý – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mẹ Việt Nam Anh hùng; nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; đại diện lãnh đạo các tỉnh là đơn vị kết nghĩa với huyện Nghi Lộc, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bà Trịnh Thị Thủy trao Quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, Quyết định xếp hạng di tích quốc gia Địa điểm Cầu Cấm cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Nghi Lộc
Lịch sử oai hùng đấu tranh giữ nước
Từ bao đời nay, Nghi Lộc là vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh; cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; mộc mạc chân thành trong đời sống. Trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Nghi Lộc đã chứng kiến lớp lớp thế hệ những người con ưu tú hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó sáng ngời lên tên tuổi và sự nghiệp của một vị Danh tướng – Danh thần, được tôn vinh là “Người hai lần khai quốc”: Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí.
Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Xí được xây dựng vào năm 1647 theo chế độ “quốc tạo, quốc tế” (nhà nước xây dựng và thờ tự), vua sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia ghi nhớ công trạng. Đền thờ là một quần thể kiến trúc đẹp, cổ kính có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc biệt, vừa mang đậm dấu ấn truyền thống của văn hoá Việt Nam, vừa làm nổi bật được uy danh của vị danh tướng kiệt xuất xứ Nghệ. Trong những năm qua, đền thờ Nguyễn Xí được tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang. Nhiều hạng mục của công trình được xây dựng làm cho Di tích ngày càng được bảo tồn và phát huy tốt giá trị cho hôm nay và mãi mãi về sau.
Với những giá trị to lớn, đặc biệt của Di tích, Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; quân, dân Nghi Lộc đoàn kết, dũng cảm, sáng tạo, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, động viên mọi nguồn lực tham gia chiến đấu. Nhiều địa danh, địa điểm đã ghi dấu chiến công bi hùng của quân và dân huyện nhà trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Trong đó nổi bật là địa điểm lịch sử Cầu Cấm, được gọi là “Tọa độ lửa anh hùng”, là địa điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc-Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Cầu Cấm nằm trên quốc lộc 1A, vắt ngang sông Cấm là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, trọng điểm đánh phá, oanh tạc bằng máy bay của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện từ Bắc vào Nam. Hàng vạn tấn bom mìn của đế quốc Mỹ trút xuống trận địa cầu Cấm. Nơi đây đã chứng kiến sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân ta nhằm bảo vệ cầu Cấm, bảo vệ giao thông huyết mạch Bắc-Nam. Hàng trăm chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh, góp phần to lớn trong chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Địa điểm Cầu Cấm đã xuất hiện nhiều chiến tích kỳ diệu mang tính huyền thoại như: Đơn vị Thanh niên xung phong 324 với chiến công bắt sống giặc lái Mỹ, “tiểu đội cọc tiêu sống”; Đại đội Thanh niên xung phong 333 – Đơn vị được Bác Hồ gửi thư khen tặng; sự kiện bi tráng 35 chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong cùng một khoảnh khắc, máu xương của họ đã hòa vào địa điểm Cầu Cấm linh thiêng vì lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Địa điểm Cầu Cấm đã trở thành một trong những biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Ngày 04/11/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3241/QÐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm lịch sử Cầu Cấm là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Di tích Quốc gia đặc biệt Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí và Di tích lịch sử Địa điểm Cầu Cấm thực sự là những địa chỉ đỏ trên quê hương xứ Nghệ anh hùng, góp phần tô thắm thêm trang sử hào hùng của dân tộc nói chung, quê hương xứ Nghệ nói riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ông Nguyễn Đức Trung trao Bằng công nhận huyện Nghi Lộc đạt chuẩn nông thôn mới
Năng động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Là huyện nghèo có diện tích lớn, có 29 xã, thị trấn, dân số đông, nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, tổ chức chọn đúng điểm, đúng xã, đúng tiêu chí để phấn đấu, có trọng tâm với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương nên qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật.
Kinh tế có bước tăng trưởng nhanh, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện. An sinh xã hội được chăm lo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; củng cố và phát huy có hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương – giáo. Nhiều dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam đã và đang được triển khai có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển cùng với việc xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17% năm 2010 còn 0,81% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 13,92 triệu đồng năm 2010 đến năm 2020 đạt 47 triệu đồng, trong đó khu vực nông thôn đạt 46,545 triệu đồng/người/năm…
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia rất tích cực của người dân. Đây có thể coi là một trong những thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Nghi Lộc. Đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An đã có 7/21 huyện, thành phố, thị xã và 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 72%, là địa phương nằm trong top đầu của cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 6.047.000 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.487.562 triệu đồng, chiếm 24,6%. Việc huy động sức dân được thực hiện đảm bảo dân chủ, công khai.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc đã đạt được trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử và xây dựng huyện nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc tiếp tục bám sát định hướng và quy hoạch của tỉnh; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; tiếp tục phát huy lợi thế vùng phụ cận, khu công nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế xây dựng huyện nhà ngày càng giàu mạnh.
Kế Hùng