Người Mường và phong tục đón Tết độc đáo

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 18:28, 06/02/2016

(Moitruong.net.vn)

– Giống như nhiều dân tộc khác cùng chung sống trên mảnh đất Việt Nam, phong tục đón Tết được người Mường rất coi trọng và là một trong những lễ hội lớn nhất của năm. Trước Tết, người dân đã nuôi lợn, chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh để đón Tết.

Phong tục truyền thống

Một số gia đình người Mường còn giữ tục gọi trâu về ăn Tết sau lễ đón giao thừa. Với họ tin rằng đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày. Những ngày trước Tết họ chuẩn bị sẵn mõ để tối giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu, đây cũng là nét văn hóa đặc sắc cần gìn giữ.

anh1

Nghi thức cũng lễ của người Mường

Hầu hết những người dân tộc Mường đều rất háo hức, phấn khởi với nghi thức tượng trưng này. Sau giao thừa, những đứa trẻ người Mường cầm đuốc, mõ ra đường, dạo quanh ngõ vài vòng, chúng sẽ dừng lại giả vờ đếm “1, 2, 3, 4…” rồi tự bảo mình: “Trâu nhà tôi đủ rồi”.

Sau đó, mọi người sẽ thực hiện nghi thức xuống suối lấy nước về thắp hương tổ tiên trước khi đổ vào vại tích nước ăn. Người Mường tin rằng thứ nước thiêng lấy vào đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn, gia đình làm ăn tấn tới trong năm mới.

Ngoài trả công trâu, người Mường còn treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng. Với họ, chúng quan trọng và gần gũi trong đời sống lao động, bởi vậy mời vía “con của” về là để bày tỏ sự tôn trọng, biết ơn của gia chủ.

Mâm cỗ ngày Tết

Vào dịp Tết, mỗi gia đình đều mổ một con lợn, dù to hay nhỏ để làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm sang chung vui. Người Mường quan niệm ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món ngày Tết.

Đặc biệt hơn, cùng với bánh chưng, mâm cỗ ngày Tết của người Mường không thể thiếu ba thứ đặc sản: Bánh chéo kheo, nem chua hun và cá đồ.

Bánh chéo kheo được làm từ bột nếp, có nhân đậu xanh đồ chín trộn với mật. Bánh được gói bằng lá hó (một loại lá cây mọc trên núi) thành hình trụ, mỗi lá phải gói hai chiếc bánh, gấp lại thành một đôi, tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thắm thiết, bền chặt.

Món nem chua thì được làm từ thịt ba chỉ thái nhỏ, trộn với rượu, gia vị và thính rồi gói bằng lá chuối đem treo lên gác bếp. Sau 2 – 3 ngày hun khói có thể bỏ nem ra ăn. Khi ăn kèm với lá sung, lá ổi có vị thơm, ngọt bùi và đậm đà.

Thời khắc quan trọng nhất là đêm Giao thừa. Đêm Giao thừa, người Mường thường làm hai mâm cỗ để cúng tổ tiên và Thần cai quản đất đai. Trước đây, khi còn ở nhà sàn, người Mường không lập bàn thờ mà chỉ ngày Tết mới dựng ban thờ bằng cột, phên đan.

Điểm lạ lẫm nhất đối với những du khách đường xa được đón Tết Mường là tục “cho trâu ăn trước” năm mới. Sau khi hoàn thành các thủ tục cúng lễ đêm 30, trâu sẽ được cho ăn cỏ trước khi gia đình ăn cơm năm mới. Theo quan niệm của người Mường: Phải cho trâu ăn trước vì trâu đã làm vất vả cả năm, ra Tết cũng phải đi làm trước.

Không chỉ có con trâu được “ưu ái” trong dịp này. Những dụng cụ giúp cho người nông dân làm ra thóc lúa, của cải như cày, cuốc, dao, liềm cũng phải được ăn Tết cùng gia chủ, dựng ngay ngắn, nếu để bừa bãi thì năm mới làm ăn sẽ khó khăn.

Sáng mùng Một, gia đình sẽ làm mâm cơm, bánh cúng vía trâu (ông rằn bà rỏi) và thưởng cho những đứa trẻ thường ngày hay đi chăn. Mùng Hai chủ gia đình sẽ làm vía bằng chí bương chí quốp (một loại dụng cụ làm từ thân cây dùng để đồ xôi) cầu sức khỏe, may mắn cho cả nhà.

Sáng mùng 4, thanh niên các xóm giao lưu bằng trận bóng chuyền hoặc ném còn. Hội ném còn còn được xem là dịp để trai, gái bản gặp gỡ và trao nhau tình ý. Mọi hoạt động chơi xuân sẽ kéo dài đến hết mùng 6. Sáng mùng 7, các gia đình hạ cây nêu và trở lại cuộc sống lao động, sản xuất bình thường.

Ở các xứ Mường cao hơn, ngay trong đêm Giao thừa, sau lễ cúng, đồng bào sẽ kéo nhau ra con suối đầu làng, mỗi người gánh về một xô nước cầu may. Còn người Mường Yên Trung lại có tập tục lấy nước giếng làng vào sáng sớm ngày mùng Một Tết về cúng và vẩy trong nhà cầu cho năm mới mọi sự an lành…

Vào ngày tết, tiếng cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng mời ông bà, tổ tiên về đón Tết, vui xuân cùng con cháu. Tiếng cồng cũng là những lời chúc gia chủ năm mới trâu, bò đầy chuồng, ngô đầy bồ, lúa đầy nương, người người mạnh khỏe, bản làng no ấm, yên vui. Theo quan niệm của đồng bào Mường, tiếng chiêng phát ra to, vang, rền là sự báo hiệu một năm mới tốt lành, may mắn.

(Theo Môi trường và Cuộc sống)

(Theo Môi trường và Cuộc sống)