Hơn 800 triệu người dân thiếu ăn, LHQ cảnh báo tình trạng đói nghèo
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 12:00, 16/07/2019
Báo cáo mang tên “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu” do Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và các cơ quan khác của LHQ trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WTO) phối hợp thực hiện.
Theo báo cáo do Tổ chức Nông Lương (FAO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) công bố, năm 2018, số người sống trong cảnh đói là 821,6 triệu người, trong khi con số này của năm 2017 là 811,7 triệu người, năm 2016 là 796,5 triệu người và năm 2015 là 785,4 triệu người.
Phát biểu ý kiến tại buổi công bố báo cáo, Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho biết, báo cáo năm nay sử dụng chỉ số mới là thang đo trải nghiệm mất an ninh lương thực (FIES) để đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hay nghiêm trọng.
Ông Jose Graziano da Silva (bên phải), Tổng Giám đốc FAO cầm bản sao báo cáo ““Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2019” tại trụ sở LHQ, TP New York, ngày 15-7.
Người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải đang đối mặt với những bất ổn về khả năng sở hữu thực phẩm và buộc phải thỏa hiệp về chất lượng hoặc số lượng thực phẩm. FIES ước tính, khoảng hai tỷ người (tương đương 26,4% dân số thế giới) đã trải qua các mức độ (vừa phải hoặc nghiêm trọng) của tình trạng mất an ninh lương thực.
Cảnh đói đang gia tăng tại gần như toàn bộ các vùng của châu Phi; tỷ lệ người thiếu ăn tại khu vực châu Phi cận Sahara là 22,8%. Con số này tại Caribbean cũng cao, chiếm 18,4% dân số khu vực. Tại châu Á, Nam Á vẫn là khu vực có tỷ lệ thiếu lương thực cao nhất (gần 14,7%), tiếp đến là khu vực Tây Á (hơn 12,4%). Nhìn tổng quát các khu vực trên thế giới, những người thiếu ăn phân bổ không đồng đều, trong đó phần lớn sống tại châu Á (hơn 500 triệu người).
FAO nhấn mạnh việc gia tăng nạn đói phản ánh tình trạng suy giảm kinh tế mà khu vực này đang trải qua, với việc các mặt hàng nguyên liệu – động cơ tăng trưởng kinh tế chính của đa phần các nước trong khu vực – rớt giá trên thị trường thế giới. Xu hướng này khiến nạn thất nghiệp gia tăng và khiến thu nhập của đa phần gia đình trong khu vực sụt giảm, ảnh hưởng tới cuộc chiến chống đói nghèo.
Người dân châu Phi xếp hàng nhận lương thực cứu trợ của Liên hợp quốc
Cũng trong báo cáo mới, FAO khẳng định các nỗ lực hiện tại là không đủ để đạt mục tiêu giảm một nửa số trẻ em chậm lớn vì suy sinh dưỡng vào năm 2030. Hiện khoảng 149 triệu trẻ em trên toàn thế giới được xác định chậm phát triển vì suy dinh dưỡng. Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra tình trạng thừa cân và béo phì tăng ở mọi khu vực, đặc biệt ở nhóm trẻ trong độ tuổi đến trường và người trưởng thành.
Báo cáo của LHQ nêu rõ, để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, chính phủ các nước cần sẵn sàng các chính sách kinh tế và xã hội để đối phó với hậu quả của biến động kinh tế trong khi bằng mọi giá, phải duy trì các dịch vụ cần thiết như chăm sóc sức khỏe hay giáo dục. Các tác giả báo cáo cho rằng cần một sự biến đổi cấu trúc để đưa cả những người nghèo nhất trên thế giới vào diện được quan tâm. Để thực hiện điều này cần lồng ghép các quan ngại về an ninh lương thực và dinh dưỡng với các nỗ lực giảm nghèo trong khi vẫn tiếp tục khắc phục bất bình đẳng giới.
Mai Dung (t/h)