Chống ô nhiễm không thể hô hào

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 06:33, 25/07/2019

Moitruong.net.vn – Câu chuyện xả nước hồ Tây trôi sạch kết quả xử lý ô nhiễm theo công nghệ nano – bioreactor trên sông Tô Lịch lại một lần nữa làm dấy lên lo ngại về hoạt động chống ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội nói riêng và các vùng bị ô nhiễm nói chung.

Thông tin ban đầu về việc Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản giúp làm sạch dòng sông Tô Lịch được dư luận chú ý, vui mừng. Sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản là đầy thiện chí và có thêm phương án xử lý ô nhiễm cho rất nhiều khu vực ở Hà Nội. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, người yêu Hà Nội như bị dội gáo nước lạnh bởi việc xả nước từ hồ Tây làm ảnh hưởng kết quả nghiên cứu bước đầu của chuyên gia Nhật Bản.

Sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm từ hơn 20 năm nay. Chất thải từ khu dân cư hai bên bờ sông ngày một đông cứ dồn thẳng xuống sông, trong khi các phương án xử lý nước thải không có thì ô nhiễm là không tránh khỏi. Bao nhiêu phương án đã đưa ra nhưng hầu như không có kết quả. Nay khi nghiên cứu bước đầu mới nhóm lên hy vọng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho xả nước xóa sạch. Dù có biện minh kiểu gì thì dư luận cũng khó thông suốt đối với việc làm này.

Nước xả thì từ hồ Tây nhưng hồ này cũng đang ô nhiễm. Các cơ quan chức năng đã tìm đủ mọi cách nhưng không cải thiện được môi trường nước ở đây. Nguyên do chính vẫn là hằng ngày hồ Tây phải nhận lượng nước thải khổng lồ từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất đổ ra. Không chặn được nguồn xả thải ô nhiễm thì dù có sử dụng biện pháp gì đi nữa, ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Còn hồ Gươm cũng ô nhiễm quanh năm suốt tháng, các cơ quan dùng nhiều phương pháp như khử tảo, nạo vét, hóa chất… nhưng cũng không sạch nổi.

Câu chuyện ô nhiễm không chỉ Hà Nội mà đã trở thành vấn đề bức bách của hầu hết các tỉnh, thành. Đô thị phát triển như vũ bão, dân số tăng vùn vụt, du khách cũng ồ ạt đến, sản xuất công nghiệp phát triển rầm rộ… nhưng diện tích mặt nước có hạn, không gian sống cố định nên rác thải ùn ứ và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Cả một dải biển xinh đẹp trải từ Nam chí Bắc được xem là quà tặng quý giá của thiên nhiên nhưng chúng ta đã đối xử với biển như thế nào? Những ngày qua, lãnh đạo cơ quan chuyên môn ở các tỉnh, thành: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… đều báo động tình trạng rác thải, chất thải phủ ngập bờ biển. Không khó để tìm ra nguyên nhân: người dân xả thải, du khách xả rác, nhà máy tuồn nước bẩn… Nhưng để xử lý các nguồn thải này hầu như địa phương nào cũng than khó.

Hầu hết cách xử lý chất thải của chúng ta hiện nay quá lạc hậu, theo kiểu thấy rác thì nhặt, hô hào xử lý nước thải công nghiệp nhưng thiếu kiểm soát. Đáng buồn hơn khi người này nỗ lực xử lý ô nhiễm, còn người khác mặc sức xả, nhiều khi còn bày trò phá bĩnh, nên chẳng trách được chúng ta phải sống trong môi trường ô nhiễm do chính ý thức và hành vi của cộng đồng.

Theo NLD

Theo NLD