Quảng Nam: Chuyện thật như đùa, người dân muốn tiêu hủy lợn dịch phải đóng phí
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 10:30, 30/07/2019
Ngày 30-7, UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cho biết vừa ban hành công văn chấn chỉnh tình trạng UBND một số xã trên địa bàn thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy heo mắc dịch tả châu Phi.
Theo công văn này, UBND huyện Thăng Bình chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không được thu tiền của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch và tiêu hủy heo mắc bệnh. Nếu địa phương nào thu tiền của người chăn nuôi heo trong quá trình đưa heo bệnh đi tiêu hủy phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện.
Trước đó, nhiều người dân ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) bức xúc trước việc phải đóng số tiền từ 200.000 đồng trở lên khi muốn đội thu gom, xử lý lợn chết chở đi tiêu hủy. Cụ thể, lợn chết dưới 100kg, người dân phải đóng 200.000 đồng và trên 100kg thì mức phí là 300.000 đồng. Với các hộ muốn không đóng tiền thì phải tự vận chuyển lợn đến điểm chôn lấp.
Heo bị dịch tả châu Phi được xã Bình Triều “hỏa táng” gây mùi hôi khó chịu cho người dân
Một số hộ nông dân cho biết, họ thấy các xã lân cận khi lợn chết được lực lượng phòng chống dịch đến nhà cân trọng lượng, lập biên bản thống kê đưa đi tiêu hủy và không mất tiền.
Trước việc bị thu tiền, nhiều hộ dân có heo chết sau khi cân xong không muốn bị mất tiền đã tự vận chuyển lợn đến nơi tiêu hủy, tại các hố này có nhiều xác lợn chết được chôn lấp rất sơ sài. Có nhiều xác còn lộ thiên đang trong thời kỳ phân hủy gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn lây lan dịch bệnh.
Heo bị dịch tả châu Phi ở xã Bình Triều được chôn lấp rất sơ sài.
Liên quan đến việc thu tiền của người dân khi vận chuyển xác lợn đi tiêu hủy, ông Nguyễn Ba (Chủ tịch UBND xã Bình Triều) thừa nhận, “việc này sai và không đúng quy định”.
“Trong khi chưa có tiền phục vụ công tác tiêu hủy và để tiêu hủy lợn nhanh, hạn chế dịch lây lan, địa phương phải chấp nhận ứng trước tiền trong dân. Ngay sau khi Nhà nước chi trả, chúng tôi sẽ hoàn trả lại tiền đã thu của dân”, ông Bình giải thích thêm.
Mai Dung (t/h)