Tân Sơn Nhất áp dụng phương thức bay mới để giảm ùn tắc
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:45, 10/10/2019
Đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho hay, sân bay Tân Sơn Nhất đã được thiết kế lại khu vực kiểm soát tiếp cận vùng trời và đưa vào phương thức bay mới sử dụng tính năng dẫn đường RNAV 1; giúp nâng cao năng lực thông qua tại sân bay lên 54 chuyến bay/giờ, tăng 10 chuyến so với hiện nay.
Từ 7h ngày 10/10, đơn vị này chính thức triển khai áp dụng hệ thống phương thức bay mới sử dụng tính năng dẫn đường RNAV 1 tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Tân Sơn Nhất có lưu lượng chuyến bay lớn.
Đây là phương thức bay được thiết kế trong khuôn khổ dự án thuộc Chương trình Hợp tác quản lý không lưu tại Việt Nam giữa VATM và Công ty NAVBLUE/Airbus được khởi động từ tháng 12/2016.
Các đơn vị chuyên môn đã mất 2 năm tập trung triển khai việc thống nhất bản mô tả kỹ thuật; bay đánh giá đầy đủ các phương thức bay trong buồng lái mô phỏng; rà soát thiết kế chi tiết phương thức bay; chuyển đổi gói thiết kế chi tiết được bàn giao theo định dạng phù hợp với quy định của Việt Nam và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế; đào tạo theo mô hình huấn luyện các huấn luyện viên; trình Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
Hệ thống phương thức bay mới đường băng 25L/R Tân Sơn Nhất – Nguồn: VATM
Hiện mỗi ngày có hơn 700 lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh. Tuy nhiên, do hạ tầng mặt đất tại sân bay quá tải và phương thức điều hành không lưu cũ khiến nhiều máy bay bị chậm cất cánh hoặc phải bay vòng để chờ hạ cánh.
Trước đó, từ ngày 6/12/2018, VATM đã áp dụng tiêu chuẩn phân cách mới, từ 5 hải lý xuống còn 3 hải lý, trong vùng trời tiếp cận Tân Sơn Nhất sau khi đầu tư đưa vào sử dụng các hệ thống giám sát tiên tiến, đa dạng với độ chính xác cao như hệ thống radar mode-S, ADS-B… với kỳ vọng sẽ “giảm ách tắc”, góp phần làm giảm chậm chuyến, thời gian bay chờ của máy bay.
Lê An (t/h)