Lo ngại ăn hoa quả bị phạt nồng độ cồn: Bộ Y tế nói gì?

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 03:20, 08/01/2020

Moitruong.net.vn – Nhiều người dân băn khoăn việc có bị cảnh sát giao thông xử phạt khi kết quả kiểm tra khí thở dương tính với cồn do ăn trái cây hay các thực phẩm được nấu cùng bia, rượu.

Liên quan đến thông tin một số loại trái cây có đường, thực phẩm chế biến cho thêm rượu bia, một số loại thuốc có dung môi cồn sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở, đã khiến nhiều người dân lo lắng về việc cơ quan chức năng sẽ xử phạt oan.

Trước thông tin này đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia cho rằng người dân không cần quá lo lắng.

“Đúng là những hoa quả như nho, sầu riêng, chuối… dễ để lại nồng độ cồn, nhưng chỉ sau 30-60 phút tùy theo lượng dùng, cơ thể sẽ hết lượng cồn trong máu và khí thở vì hàm lượng rất nhỏ. Vì thế người dân không lo ăn hoa quả xong ra đường sẽ bị xử phạt”, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế cho biết.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của tài xế.

Đại diện cơ quan soạn thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia cũng cho biết lực lượng CSGT đã được tập huấn kỹ càng về những thông tin này nên người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng. Nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường sẽ không bị xử phạt.

Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choạng, phóng nhanh, vượt ẩu, khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia.

Về lo ngại uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, ông Quang phân tích, không có ngưỡng chuẩn cho mọi cá nhân vì phụ thuộc vào lượng, nồng độ bia, rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của mỗi người.

Trung bình với người bình thường, sau một giờ gan sẽ chuyển hóa hết một đơn vị cồn. Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn một đơn vị cồn, cơ thể phải mất 1-2 giờ nữa. Một đơn vị cồn khoảng 10 gram cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, một ly rượu vang 100 ml nồng độ cồn 13%, một chén rượu 30 ml có nồng độ cồn 40%.

Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ 1-1-2020, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng.

Cụ thể mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển ô tô 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.

Hiện Việt Nam có tới 33 triệu xe máy có đăng ký, chưa kể xe đạp điện và các loại xe gắn máy khác. Trong khi đó, có tới 80% người dân có sử dụng rượu bia, 44% sử dụng ở mức có hại, tức 6 lon bia/lần uống.

Mai Anh (t/h)

Mai Anh (t/h)