Hải Phòng khát vọng trở thành thành phố lớn tầm cỡ khu vực Đông Nam Á
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 02:12, 15/10/2020
Dự Đại hội có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 350 đại biểu chính thức của Đại hội – những đảng viên ưu tú đại diện cho gần 125.000 đảng viên của Đảng bộ Thành phố.
Trong những năm qua, TP. Hải Phòng luôn nằm trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Đây là nền tảng để Đảng bộ thành phố tiếp tục đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho giai đoạn tới.
Theo Báo cáo trình tại Đại hội Đảng bộ TP Hải Phòng lần thứ XVI, trong nhiệm kỳ tới, BCH Đảng bộ Thành phố xây dựng mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính – chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hải Phòng lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu và 5 phương hướng lớn cùng với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ này. Ban Chấp hành Đảng bộ TP xác định phải tập trung xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Cụ thể hơn, Hải Phòng sẽ xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị mang đặc trưng, bản sắc riêng của thành phố cảng biển. Thành phố sẽ bố trí nguồn lực hợp lý để tiếp tục đẩy mạnh chỉnh trang, nâng cấp đô thị trung tâm, nhất là các khu đô thị dọc theo hai bờ các dòng sông chảy qua nội đô như sông Tam Bạc, sông Cấm, sông Hạ Lý, sông Lạch Tray, tạo thành các cảnh quan, công trình công cộng phúc lợi xã hội.
Hải Phòng sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển các khu đô thị mới, tiếp tục thực hiện việc thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để thẩm định một số dự án lớn và xây dựng những quy hoạch lớn, quan trọng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2050.
Cùng với đó, thành phố cũng triển khai đồng bộ, thường xuyên các giải pháp quản lý đô thị, bảo đảm kiến trúc cảnh quan, vệ sinh môi trường, tạo diện mạo mới cho các đô thị, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố. Các cơ quan, ban, ngành sẽ được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch và công tác quản lý đất đai; khẩn trương hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I; từng bước xây dựng, phát triển Hải Phòng theo hướng trở thành thành phố đạt tiêu chí quốc tế và đô thị thông minh.
Hạ tầng đô thị sẽ từng bước được cải tạo hợp lý, ưu tiên các công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại; tiếp tục di dời các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cảng trong đô thị về các khu công nghiệp theo quy hoạch. Lập danh mục và kế hoạch bảo tồn, tôn tạo đối với hệ thống các công trình có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa để giữ gìn bản sắc đô thị cũ…
Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại, do Việt Nam hoàn toàn thiết kế và thi công, một trong những công trình trọng điểm mang dấu ấn lớn của Hải Phòng. Ảnh TTXVN.
Ngoài ra, phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn về phát triển hạ tầng du lịch đã và đang được triển khai trên địa bàn Đồ Sơn, Cát Hải – Cát Bà, đảo Vũ Yên. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn để triển khai các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Cùng với đó hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
“Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI sẽ đặt một dấu mốc mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng. Với những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính biện chứng và hiện thực cao thể hiện trong Báo cáo chính trị, thành phố Hải Phòng sẽ có đủ điều kiện để bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố”, Bí thư Lê Văn Thành nói.
Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng không được thỏa mãn với thành quả trong nhiệm kỳ qua, mà cần thấy rằng, nhiều vấn đề đang đặt ra với thành phố nên phải có Chương trình hành động để năm 2025, Hải Phòng trở thành một động lực phát triển của cả nước và cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng để trở thành thành phố công nghiệp văn minh, bền vững, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Để ghi nhận nhiều thành tích suất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Hoàng Nhân