Giá vé metro Bến Thành – Suối Tiên được đề xuất từ 7.000 – 12.000 đồng/lượt
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 09:00, 10/11/2020
Phương án giá vé cho giai đoạn đầu vận hành tuyến metro số 1 do Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) xây dựng vừa được Sở GTVT TPHCM báo cáo UBND TPHCM xem xét.
Theo MAUR, tuyến metro số 1 có ba loại vé, gồm: vé lượt, vé ngày (1 và 3 ngày) và vé tích tiền (tích trữ tiền và trừ dần khi khách đi tàu, khách phải nạp thêm tiền khi số dư của vé dưới mức quy định).
Đối với vé lượt, MAUR đề xuất từ 7.000 – 12.000 đồng/lượt (thay đổi theo cự ly chuyến đi). Cụ thể, tuyến metro số 1 có chiều dài 19,7 km, khách đi cự ly bình quân 9,5km sẽ tốn 10.000 đồng/lượt.
Với phương án giá vé trên, nếu hành khách đi lại trung bình hàng tháng 40 chuyến (cự ly bình quân 9,5km) thì tốn khoảng 400.000 đồng/tháng. Theo MAUR, chi phí đi lại trung bình hàng tháng này chiếm khoảng 6,5 % thu nhập bình quân đầu người là gần 6,2 triệu đồng (thống kê năm 2018 của Cục thống kê thành phố).
Về vé ngày, MAUR đề xuất 22.000 đồng/ngày, 60.000 đồng/3 ngày. Vé tích tiền sẽ có mức giá thấp hơn 1.000 đồng/lượt so với vé lượt.
Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tại depot Long Bình (Q.9).
Sở GTVT TPHCM đánh giá phương án vé metro số 1 do MAUR xây dựng có thể chấp nhận được khi so sánh với giá vé hiện nay của xe buýt và thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố.
Tuy nhiên, phương án trên chưa toàn diện và chưa chi tiết, chưa có chính sách giá vé cho người già, người khuyết tật… Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án giá vé trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố tác động đến giá vé.
Do đó, Sở kiến nghị UBND TP giao Ban Quản lý đường sắt đô thị tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án giá vé. Trên cơ sở tính toán đầy đủ các yếu tố tác động đến giá vé, sẽ đề xuất phương án giá vé theo quy định để thống nhất.
Metro Số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng từ vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của TP HCM. Toàn tuyến dài gần 20 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Hiện dự án đạt gần 77%, mục tiêu khai thác cuối năm 2021.
Minh Hạ