Việt Nam mong muốn UN Environment đồng hành trong các hoạt động bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:52, 08/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 7/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment). Bộ trưởng mong muốn UN Environment đồng hành với Việt Nam trong các hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ tài nguyên môi trường.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn ông Erik Solheim đã nhận lời mời của Bộ trưởng sang thăm Việt Nam và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như với một số Bộ ngành liên quan khác.
Thông qua ông Erik Solheim, Bộ trưởng cảm ơn sự hợp tác và hỗ trợ của UN Environment đối với Việt Nam trong thời gian qua. UN Environment đã hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, chuyên gia tư vấn trong việc xây dựng luật và chính sách về môi trường; cung cấp học bổng về môi trường để đào tạo nguồn nhân lực về môi trường của Việt Nam; hỗ trợ thực hiện nhiều chương trình, dự án về môi trường.
Về lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên mong muốn phía UN Environment hỗ trợ kinh nghiệm về quản lý chất thải, nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nguy hại tại Việt Nam; quản lý chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình khai thác quặng và nhà máy nhiệt điện; quản lý chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm; trao đổi thông tin, kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực kiểm soát nguồn thải ô nhiễm; sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, mua sắm công bền vững.
Về lĩnh vực biến đổi khí hậu, Việt Nam đang cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế và các quy định liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với các cam kết trong “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) của Việt Nam và theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách và quyết định thông qua việc đánh giá năng lực kỹ thuật và phương pháp luận đo đạc, báo cáo, kiểm chứng (MRV) chung cho giảm nhẹ khí nhà kính trong tòa nhà; thúc đẩy trao đổi kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm trong khu vực và quốc tế thông qua việc thành lập các mạng lưới, xuất bản các ấn phẩm và tài liệu hướng dẫn góp phần vào việc lồng ghép các hành động giảm nhẹ khí nhà kính trong tòa nhà vào trong các kế hoạch phát triển quốc gia.
Về lĩnh vực biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên mong muốn phía UN Environment hỗ trợ các vấn đề về quản lý rác thải biển; hỗ trợ tài chính và các nguồn lực liên quan để Việt Nam cụ thể hóa Kế hoạch hành động toàn cầu, Kế hoạch hành động của G20 về rác thải biển bằng việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về rác thải biển; đánh giá hiện trạng và nguồn rác thải trên biển từ đó xây dựng kế hoạch quản lý, giám sát rác thải trên biển từ nguồn; nghiên cứu, áp dụng các công nghệ, giải pháp kiểm kê, thu gom, xử lý rác thải trên biển, thí điểm tại một số khu vực trọng điểm; xây dựng hướng dẫn giám sát ô nhiễm môi trường dựa vào cộng đồng và áp dụng thí điểm tại các địa phương ven biển. Ngoài ra, hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực ở cấp trung ương và địa phương về quản lý tổng hợp vùng bờ; lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động về quản lý tổng hợp vùng bờ tại các địa phương…
Ông Erik Solheim cũng đánh giá cao việc Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn Môi trường Liên Hợp Quốc làm cơ quan để phát triển các đề xuất chung về tài trợ, trong các lĩnh vực như Hóa chất trong Sản phẩm..
Về vấn đề rác thải vùng biển, ông Erik Solheim cho rằng, Việt Nam có thể thúc đẩy các nỗ lực của khu vực để giải quyết vấn đề rác thải biển thông qua Cơ quan Điều phối về Biển Đông Á và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc về Môi trường.
Về vấn đề tài chính xanh gắn với phát triển bền vững đang được Liên Hợp Quốc triển khai, ông Erik Solheim cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển nên có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn; đồng thời Chính phủ Việt Nam có thể phát huy tiềm năng thu hút nhiều các nguồn lực khác nhau như nguồn vốn tư nhân, xã hội hóa…
Theo Monre