Linh thiêng nguồn cội – Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 00:31, 21/04/2021
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương được tổ chức hàng năm để người Việt tưởng nhớ và tri ân nguồn cội.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay. Tín ngưỡng không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Tín ngưỡng góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương nòi của người Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.
Ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.
Giá trị của di sản không phải là di tích Đền Hùng hay hệ thống đền miếu cả nước mà chính là nghi lễ thờ phụng, thực hành tín ngưỡng với rước kiệu, lễ vật dâng cúng là bánh chưng, bánh dày tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước, hành hương về nguồn… Sau phần lễ, đến phần hội cũng rất đặc sắc, đó là thi gói bánh chưng, giã bánh dày, diễn xướng dân gian, múa rối nước, hát xoan, bơi chải…
Nghi lễ thờ cúng Hùng Vương thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cũng là tinh thần cần khích lệ của cả nhân loại về lòng biết ơn, về sự tôn trọng đa dạng văn hóa giữa các dân tộc.
Những nghi lễ ấy được đồng bào ta thực hiện trang trọng, nhuần nhuyễn và bền vững từ thế hệ này sang thế hệ khác nên UNESCO đánh giá rất cao, theo tiêu chí “thực hành tốt nhất trong đời sống”.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị tâm linh của cả dân tộc với những giá trị khoa học, minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của văn hóa Việt Nam, mang những giá trị riêng có thể hòa vào giá trị chung của văn hóa thế giới. Với quyết định của UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ đã trở thành tài sản văn hoá của nhân loại.
Gìn giữ và phát huy giá trị vô giá của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” theo đúng những chuẩn mực truyền thống, là dịp để con dân cả nước thể hiện lòng tôn kính và biết ơn công lao của tổ tiên, không chỉ của mình mà của cả dân tộc, với ý thức “trăm con một bọc”, biểu hiện cao đẹp nhất của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, gắn bó cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hải Đường