Quảng Ninh: Quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 06:00, 07/05/2021
Thời gian qua, Quảng Ninh ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Do đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có nhiều đổi mới, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020 là 1,87%/năm, số hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 7.285 hộ năm 2016 xuống còn 415 hộ năm 2020.
Phụ nữ dân tộc Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, thêu trang phục truyền thống.
Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước…
Cơ sở hạ tầng khu vực này cũng có nhiều thay đổi tích cực. 100% xã có đường ô tô được cứng hoá đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn, bản cơ bản đã được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số hộ dân được sử dụng điện; trên 98% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.
Hiện tại, tỉnh đang chỉ đạo Ban Dân tộc xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đề án dự kiến sẽ được trình và cho ý kiến tại Kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh.
Theo đó, Đề án sẽ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; thúc đẩy phát triển kinh tế tại khu vực này. Đồng thời, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh…
Mặc dù vậy, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, trên thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Khoảng cách chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với vùng thành thị, miền xuôi còn rất lớn. Nhiều xã, thôn mặc dù đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, nhưng các tiêu chí mới chỉ ở mức vừa đủ đạt, thiếu tính bền vững…
Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh cần phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi của tỉnh theo tinh thần, nội dung đề án của quốc gia và các chính sách, đề án của tỉnh, với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân làm trung tâm…
Trọng Nhân