Lên phương án không để nông sản tại vùng dịch ùn ứ
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 02:02, 13/05/2021
Để có các giải pháp chủ động ứng phó, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa, không để nông sản bị ùn ứ, bị đổ bỏ. Tại Bắc Giang, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ người dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều.
Phương án thứ nhất, nếu tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường, huyện này dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn; chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn.
Phương án thứ hai, nếu tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Lục Ngạn sẽ giảm lượng tiêu thụ vải thiều tươi còn khoảng 95.000 tấn (tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác 25.000 tấn.
Huyện Lục Ngạn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Bắc Giang hỗ trợ nâng cấp dây chuyền xông hơi, khử trùng vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. Đồng thời sớm có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện để địa phương sớm đón thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều. Với 2 phương án nêu trên của “vựa vải” Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn, UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết huyện Lục Ngạn cần chủ động cả 2 phương án nhưng tập trung cao cho việc quan tâm thị trường trong nước, sấy khô vải bởi dịch bệnh đang diễn biến khó lường.
Ảnh minh họa.
Cũng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch vải thiều, huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) cũng lên kế hoạch nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, vải thiều sẽ tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… thông qua thương lái và các doanh nghiệp (DN) đã làm việc với huyện từ trước đó. Ngược lại, nếu dịch diễn biến phức tạp, vải không thể xuất khẩu, địa phương sẽ phối hợp các sở, ngành, DN khai thác tối đa thị trường nội địa; kết nối với các tỉnh, thành trong nước để tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt, tỉnh Hải Dương sẽ chú trọng đến các chợ đầu mối và chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi; mời các DN chế biến nông sản đến làm việc để sấy vải, làm nước ép hoa quả, giấm vải…
Không để nông sản ứ đọng do dịch Covid-19, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các sở công thương chủ động biện pháp vận chuyển hàng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Đồng thời, phối hợp với nông nghiệp, kết nối các hệ thống bán lẻ, DN phân phối lớn đưa hàng vào siêu thị trong nước, xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhấn mạnh việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa từ vùng dịch phải bảo đảm các quy định về phòng chống dịch hiện hành.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan này đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn của các tỉnh bị phong tỏa được lưu thông, tiêu thụ bình thường trên địa bàn các tỉnh, thành. Bộ Công Thương có ý kiến để các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản – thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt. Bên cạnh đó, chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua nông sản cho bà con nông dân.
Liên Ngân