Nam Định: Quản lý chất thải rắn xây dựng – siết chặt từ nguồn
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:53, 04/08/2017
(Moitruong.net.vn) – Tính toán của đơn vị tư vấn, thống kê sơ bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định cho thấy, khối lượng chất thải rắn (CTR) xây dựng phát sinh trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 10 – 20% tổng CTR sinh hoạt đô thị tùy từng huyện. Theo Quy hoạch Quản lý CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 được phê duyệt cuối năm 2016 dự báo khối lượng CTR phát sinh từng giai đoạn. Dự báo năm 2020, tổng khối lượng CTR xây dựng, bùn cặn phát sinh 280 tấn/ngày. Đến năm 2030, tổng khối lượng CTR xây dựng, bùn cặn phát sinh là 580 tấn/ngày.
Quản lý chất thải rắn xây dựng – siết chặt từ nguồn
Do vậy, quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung và quản lý CTR xây dựng nói riêng là một trong những ưu tiên trong công tác bảo vệ môi trường của Nam Định. Trong đó, phương châm quản lý được xác định là lấy phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và phân loại chất thải tại nguồn. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng phải xử lý. Hiện nhiều người dân Nam Định đã tận dụng CTR xây dựng vào san lấp mặt bằng hoặc tái chế cho các mục đích xây dựng khác.
Tuy vậy việc phân loại, thu gom, vận chuyển loại CTR xây dựng đang thiếu các quy định cụ thể. Tình trạng đổ trộm, đổ bừa CTR xây dựng tại một số nơi diễn ra khá thường xuyên, nhất là tại các khu vực đang xây dựng và những nơi ít người qua lại. Người dân thì phó mặc cho bên vận chuyển rác thải xử lý rác thải xây dựng của gia đình mình mà không hề quan tâm rác sẽ được đổ ở đâu.
Tình trạng này diễn ra từ lâu và chưa có hướng giải quyết cụ thể, nhất là việc quy trách nhiệm trong vấn đề xả thải ra môi trường. Đồng thời, các điểm trung chuyển CTR xây dựng thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm. Đặc biệt, mức xử phạt với các hành vi đổ trộm rác thải xây dựng, một trong những công cụ quản lý quan trọng lại chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ.
Với việc xây dựng Quy hoạch Quản lý CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030, tỉnh kỳ vọng đây là hành lang pháp lý xây dựng hệ thống quản lý và phương thức phân loại CTR tại nguồn, mạng lưới các khu xử lý CTR đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý CTR cho các đô thị, khu công nghiệp và các điểm dân cư nông thôn theo hướng tăng cường tái chế các loại CTR, hạn chế chôn lấp, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.
Đồng thời, mới đây, ngày 16/5/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý CTR xây dựng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017. Cùng với quy hoạch quản lý CTR tỉnh Nam Định, Thông tư 08/2017/TT-BXD sẽ tạo nên hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh đối với việc xử lý CTR xây dựng, đảm bảo hướng tới phân loại, xử lý triệt để CTR xây dựng, không gây ảnh hưởng nguy hại đến môi trường, kiểm soát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về xả thải, đổ trộm CTR xây dựng, từng bước siết chặt quản lý CTR xây dựng ngay từ nguồn.
Thời gian tới, Sở Xây dựng Nam Định sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiên cứu xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quản lý CTR; tổng hợp danh sách các công trình sẽ phá dỡ, khởi công xây dựng trên địa bàn và danh sách các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTR xây dựng trên địa bàn huyện, thành phố; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTR xây dựng trên địa bàn.
Theo BTNMT