Gỡ khó trong lưu thông hàng nông sản các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 11:00, 07/08/2021
Chiều 6/8, tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) diễn ra Hội nghị trực tuyến Kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021.
Theo báo cáo của các Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và qua tổng hợp của các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống Covid-19 công bố những thiệt hại về hàng hóa nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi và rất cần được hỗ trợ đặc biệt.
Tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc sản lượng nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi đã lên tới gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn các loại trái (thanh long, sầu riêng, bơ, nhãn, dứa, xoài, bưởi, cà phê, ca cao), 120 ngàn tấn hải sản, 600 ngàn tấn thịt gà, khoảng 400 triệu quả trứng…
Trị giá hàng hóa ước tính lên tới chục nghìn tỷ đồng đang rất cần được tiêu thụ và hỗ trợ tiêu thụ trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết qua nắm bắt tình hình và phản ánh của các Tổ công tác, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới việc tiêu thụ các sản phẩm này. Đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động từ khâu thu hoạch, đến vận chuyển và bảo quản. Nhiều nhà máy chế biến đóng cửa gây khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm tươi cũng như sản phẩm chế biến.
Trái cây vào vụ cần được hỗ trợ tiêu thụ.
Tiếp đó là khó khăn trong vận chuyển hàng hóa ngay trong từng địa phương, đặc biệt giữa các địa phương với nhau. Theo ông Diên, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã có chỉ đạo, hướng dẫn, quy định rất cụ thể nhưng việc áp dụng ở từng địa phương không giống nhau.
“Vận chuyển ách tắc càng làm cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản nói chung khó hơn. Bên cạnh đó, việc thu mua, giao thương trực tiếp trong bối cảnh giãn cách càng không thể thực hiện được ”, ông Diên nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, nhằm hỗ trợ các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ nông – thủy sản vào vụ một cách chủ động, căn cơ cũng như do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.
Một là đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định thị trường trong nước với gần 100 triệu người tiêu dùng làm trọng tâm, nền tảng phát triển tiêu thụ nông sản, thủy-hải sản.
Hai là xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt nói chung, nông sản và thủy-hải sản nói riêng qua đó nâng cao uy tín hàng sản xuất trong nước, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.
Ba là phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thương hiệu mạnh với nguyên liệu đầu vào trong nước để giảm tải cho việc tiêu thụ nông sản tươi, phục vụ cho thị trường trong nước và quốc tế.
Bốn là song song với phát triển các kênh phân phối truyền thống, đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại như thương mại điện tử, các nền tảng số,…
Năm là đối với xuất khẩu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức xúc tiến xuất khẩu, đồng thời nâng cao trách nhiệm và huy động toàn bộ hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc nhằm hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu.
Minh Ngân