Nông dân Quảng Ngãi tất bật làm đất, trồng rau phục vụ Tết Nguyên đán
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 00:30, 08/01/2022
Trồng rau Tết là vụ mùa được kỳ vọng nhất trong năm. Thời điểm này, nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, cùng với thời tiết thuận lợi hứa hẹn sẽ đem lại năng suất và thu nhập ổn định cho người nông dân.
Nông dân tất bật chăm bón, tưới tiêu cho rau màu
Tại vùng chuyên sản xuất rau, nông dân các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Tịnh Long, Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) đang rộn ràng ra đồng làm đất, xuống giống các loại rau hàng hóa. Với lợi thế chuyên canh tác rau, màu, thời gian qua, nông dân các địa phương đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa vào trong sản xuất để tăng năng suất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, góp phẩn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Là vùng trồng rau chuyên canh lớn nhất TP. Quảng Ngãi với hơn 10 ha, bà con nông dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng đều tất bật với công việc gieo trồng, chăm sóc cây rau để kịp thu hoạch đợt cuối năm, chủ yếu xuống giống các loại rau cải thìa, cải ngọt, xà lách, su hào…
Bà con vừa chăm sóc, vừa gieo trồng rau mới
Ông Nguyễn Tín (56 tuổi), ngụ ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau cho biết, trồng rau là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở đây từ hàng chục năm qua. Rau được trồng quanh năm, nhưng vụ rau Tết làm nhiều nhất, gấp 3 – 4 lần. Lứa rau cuối năm được mùa, được giá sẽ mang lại cái Tết tươm tất hơn cho người dân.
“Có thể nói Tết được xem là mùa trồng màu vui nhất của nông dân chúng tôi. Bởi vì, nghề trồng rau được hay không chính là nhờ vào vụ rau Tết, đây là thời điểm giá bán cao nhất trong năm, phải canh thời điểm gieo giống để bán đúng dịp mới có lợi nhuận” ông Tín chia sẻ.
Đang tất bật chăm sóc vườn rau của gia đình, ông Phan Minh Tấn (62 tuổi), trú thôn 6, xã Nghĩa Dũng cho biết, ngày thường ông trồng luân phiên xoay vòng nhiều loại rau, màu, hết đợt màu này đến đợt màu khác để bán cho người tiêu dùng, riêng trong tháng Tết, gia đình ông tập trung cấy cải thìa, bắp cải đây là loại nông sản cho năng suất được thị trường Tết cần và tiêu thụ mạnh. Dự kiến, dịp cuối năm nay, rau được mùa, thị trường ổn định, gia đình ông sẽ có thu nhập khoảng 8 – 10 triệu đồng.
Với nhiều người dân, rau vụ Tết là nguồn thu nhập chính của gia đình
Được biết, làng rau xã Nghĩa Dũng cho thu hoạch tất cả các mùa trong năm, nhưng vụ đông thường cho giá trị kinh tế cao hơn. Với khả năng chịu rét tốt, lại có chu kỳ thu hoạch trùng đợt Tết nên bắp cải là loại rau được bà con xứ đồng Nghĩa Dùng lựa chọn làm cây chủ lực cho vụ đông. Ngoài cây chủ lực là xà lách, các giống cải, su hào… được bà con triển khai trồng đồng loạt để thu hoạch nhiều đợt trước, trong dịp cuối năm và sau Tết. Rau không chỉ tiêu thụ ở các chợ địa phương mà còn xuất bán ra các tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng. Hiện nay, dù thời tiết giá rét nhưng người nông dân vẫn bám đồng, theo sát quá trình sinh trưởng của rau.
Năm nay, bà con chủ yếu trồng các loại rau chịu rét tốt
Trên các đồng rau ở thôn Ngọc Thạch (xã Tịnh An), thôn An Đạo (xã Tịnh Long), nông dân cũng đang hối hả làm đất, xuống giống vụ rau Tết. Năm nay, xã Tịnh An sản xuất hơn 22 ha, chủ yếu là rau mồng tơi, xà lách, đậu cove, cải thìa…
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi cho biết, vụ đông này, toàn xã sản xuất hơn 120 ha. Để có nguồn hàng đảm bảo chất lượng, bà con đang tập trung ra đồng xuống giống, chăm sóc. Mong muốn lớn nhất của người dân hiện nay là thị trường tiêu thụ ổn định; chính quyền các cấp sớm có chính sách xây dựng thương hiệu “rau an toàn xã Tịnh Long” để thuận lợi hơn trong quảng bá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Người nông dân tuân thủ các phương pháp chăm sóc rau an toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế
Hầu hết những nông dân sản xuất rau, màu phục vụ Tết đều nhận định: Vụ Tết năm nay, các loại rau, củ như: Củ cải, hành lá, bắp cải, đậu cove… cũng như các loại cây ngắn ngày được người dân tập trung lựa chọn gieo trồng. Nhìn chung, rau xanh cung ứng cho thị trường Tết năm nay rất đa dạng, dự kiến sẽ cho năng suất vượt trội vì thời tiết thuận lợi, người dân lại có sự chuẩn bị chu đáo từ trước về kỹ thuật làm đất cũng như cây giống, cách chăm sóc cây trồng. Nhiều hộ dân cũng đang tích cực chăm sóc các loại rau ngắn ngày để kiếm thêm thu nhập.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các địa phương đã tăng cường phối hợp với ngành chức năng tổ chức những buổi tập huấn và định hướng sản xuất cho người trồng rau, nhằm góp phần giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận vừa mang đến cho người tiêu dùng những bó rau tươi nhất, an toàn nhất sử dụng trong ngày Tết.
Đức Biền