Tp.Hải Phòng: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:05, 16/02/2016

Moitruong.net.vn Thành phố Hải Phòng

(Moitruong.net.vn) – Hải Phòng là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (theo công bố của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế – OECD). Biến đối khí hậu đã tác động nhiều mặt đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Vì thế, thời gian qua UBND và chính quyền Hải Phòng đã có những hoạt động thiết thực để ứng phó với hiện tượng này.

Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), phóng viên Tạp chí Môi trường &Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (Sở TN&MT).

IMG_20160122_165818

Ông Phạm Quốc Ka, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng

MT&CS: Thưa ông, Hải Phòng là một trong các tỉnh, thành phố ven biển chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Những năm qua, UBND và chính quyền địa phương đã có những hành động thiết thực nào để ứng phó với BĐKH?

Ông  Phạm Quốc Ka: Những năm qua  Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thành phố Hải Phòng phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự BĐKH.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ động ứng phó với BĐKH, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH; Tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH; Đổi mới, hoàn thiện cơ chế tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với BĐKH; Thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế về ứng phó với BĐKH…

Đến nay, thành phố đã hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, trong đó đã tích hợp yếu tố BĐKH, nước biển dâng (NBD); Quy hoạch sử dụng đất, phát triển rừng,  nông thôn mới, khoáng sản, phát triển du lịch, tài nguyên nước, phát triển kinh tế – xã hội các địa phương…đều được xây dựng và tích hợp yếu tố BĐKH NBD.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng kiến thức về BĐKH được quan tâm, nhận thức về BĐKH, NBD của cán bộ công chức và nhân dân thành phố nối chung và đặc biệt là cộng đồng dân cư ven biển đã được nâng cao rõ nét.

Tích cực triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Dự án Xây dựng Hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, diện tích 1,5 ha và tổng kinh phí đầu tư: 180 tỷ đồng; Dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển I, tổng mức đầu tư 37,61 tỷ đồng; Dự án phục hồi và phát triển rừng phòng hộ ven biển, ven sông thành phố Hải Phòng giai đoạn 2015-2020, tổng mức đầu tư là 103,2 tỷ đồng…

MT&CS: Hiện tượng nước biển dâng, nhiệt độ tăng lên và thời tiết diễn biến thất thường đã ảnh hưởng thế nào tới phát triển kinh tế, xã hội của thành phố thưa ông?

Ông  Phạm Quốc Ka: Hải Phòng là thành phố ven biển, có đường bờ biển dài vì vậy BĐKH, nước biển dâng và bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và các cơ sở hạ tầng ven biển. Biến đổi khí hậu –  kéo theo là mực nước biển dâng – sẽ có tác động nhiều mặt đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế – xã hội, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, bảo vệ sức khỏe… là những lĩnh vực được xem là chịu những tác động mạnh của BĐKH.

Hàng năm, Hải Phòng chịu ảnh hưởng 1 – 2 cơn bão và áp thấp đổ bộ trực tiếp, 3 – 4 cơn bão và áp thấp khác gián tiếp. Đặc biệt trong năm 2012, cơn bão số 8 đã gây ảnh hưởng nặng nề cho thành phố Hải Phòng với tổng giá trị thiệt hại về tài ước tính 1000 tỷ đồng; làm 02 người chết và 9 người bị thương. Năm 2014, Hải Phòng hứng chịu 2 cơn bão, giá trị thiệt hại ước tính 107,3 tỷ đồng, làm 02 người bị thương.

Dông, lốc, mưa đá, mưa lớn là các hiện tượng thời tiết dị thường, tuy chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng thường gây ra những hậu quả nặng nề cho người và tài sản. Hàng năm, khu vực Hải Phòng có khoảng 40 – 45 ngày có dông.

Hiện tượng xâm nhập mặn đã vào đến Cống Trung Trang (huyện An Lão) và đến khu vực Cầu Nghìn (huyện Vĩnh Bảo) đi sâu vào trong đất liền khoảng 35km. Xói lở bờ biển là hiện tượng phổ biến ở ven biển Hải Phòng, kể cả ở bờ các đảo và nhiều đoạn bờ nằm sâu phía trong các cửa sông đã tác động xấu đến nhiều mặt dân sinh kinh tế và môi trường.

Những trận mưa lớn có thể lên đến 120mm, kết hợp với triều cường làm cho hoạt động toàn bộ nội thành gần như đình trệ vì ngập nước ở các tuyến đường: Lê Lai, Lương Khánh Thiện, Cầu Đất, Lê Lợi, Minh Khai, Hồ Xuân Hương, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Tri Phương, Trần Nguyên Hãn, Tô Hiệu… Do mưa to kéo dài, mực nước ở một số hồ dâng lên cao nên không thực hiện được chức năng điều hoà.

Sự thiệt hại nặng nề nhất do BĐKH là ngành nông – lâm – thuỷ hải sản. Theo đó là sâu bệnh phát sinh trên diện rộng, dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát ở nhiều vùng gây tâm lý lo ngại, không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Các hệ sinh thái đặc trưng của thành phố như rừng nguyên sinh Cát Bà, Hòn Dấu,…; rừng ngập mặn ở Đồ Sơn, Tân Thành (Kiến Thụy), Vinh Quang (Tiên Lãng) cũng bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng và đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều ngành kinh tế khác như xây dựng, giao thông thủy bộ, hàng không, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch.

BĐKH thực sự là một thách thức to lớn và cấp thiết trong việc phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển KT-XH bền vững và bảo vệ môi trường thành phố thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi vậy, việc thích ứng và giảm nhẹ những thiệt hại do BĐKH gây ra đã và đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

MT&CS: Thưa ông, năm 2015 vừa qua, thành phố Hải Phòng bị ảnh hưởng rất nặng nề về kinh tế do đợt mưa lũ kéo dài chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua, phải chăng đây là do tác động của BĐKH?

Ông  Phạm Quốc Ka: Đúng vậy, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của BĐKH sẽ làm gia tăng tần suất và cường độ bão, nhất là bão nhiệt đới đồng thời các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão dị thường, lốc xoáy, mưa lớn xuất hiện đột ngột và kéo dài) ngày càng khó lường, khó dự báo. Đợt mưa lũ kéo dài vừa qua xảy ra tại huyện Cát Hải cũng là một trong những hiện tượng thời tiết cực đoan khó lường.

MT&CS: Trước tác động của BĐKH, thời gian tới thành phố sẽ có những biện pháp gì nhằm ứng phó với BĐKH, thưa ông?

Ông  Phạm Quốc Ka: Trước hết, thành phố đã chỉ đạo Sở TN&MT, Sở NN&PTNT rà soát, cập nhật tình hình diễn biến thời tiết thời gian qua và qua đó cập nhật kịch bản BĐKH, NBD cho thành phố và trên cơ sở đó bổ sung, chỉnh sửa Kế hoạch hành động của thành phố ứng phó với BĐKH giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp giúp thành phố thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nhằm giảm thiểu tác hại do BĐKH gây ra như:

Kiện toàn quy chế phối hợp giữa các ngành về ứng phó BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về Khí tượng thủy văn, ứng phó với BĐKH từ thành phố tới địa phương; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lĩnh vực khí tượng thủy văn, BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Ngoài ra cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng đến các cấp, các ngành và nhân dân hiểu biết về BĐKH và các giải pháp thích ứng với BĐKH, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.

Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với những ngành, lĩnh vực, các tổ chức và cá nhân triển khai các chương trình mục tiêu về ứng phó với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; hỗ trợ các ngành, lĩnh vực và địa phương bị ảnh hưởng nhiều của BĐKH.

       Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách cho công tác ứng phó với BĐKH, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đồng thời huy động đa dạng các nguồn lực cho công tác này. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế nhằm khai thác tối đa nguồn vốn hỗ trợ của các nước và các tổ chức phi chính phủ cho mục tiêu ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ phát thải KNK.

Chúng tôi tin tưởng rằng,với quyết tâm cao của Chính phủ (đã cam kết tại Hội nghị Pari COP 21) cùng với sự chỉ đạo quyết liệt Thành ủy, UBND thành phố, sự vào cuốc của toàn hệ thống chính trị và hưởng ứng của tất cả các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, thành phố Hải Phòng sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, NBD đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà thành phố đã ban hành.

MT & CS: Xin cảm ơn ông !

(Theo Môi trường và Cuộc sống)