Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra mưa đá ở vùng núi phía Bắc
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:22, 27/04/2016
– Những ngày đầu tháng 4 vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang đã phải chịu những trận mưa đá lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về mùa màng và của cải. Điều đó cho thấy rằng, mức độ biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay ngày càng rõ nét và nghiêm trọng.
Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Một trong những hiện tượng thời tiết mà nước ta đang phải hứng chịu do biến đổi khí hậu chính là mưa đá.
Hình ảnh trận mưa đá ở Tuyên Quang
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay những khu vực giáp biển, giáp núi, ít khi xảy ra ở đồng bằng. Những hòn mưa đá có thể tàn phá cây cối, gây thương tích cho người. Bởi vậy mưa đá được xếp vào một trong những hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhất. Nếu như nhiều năm trước đây, mưa đá xuất hiện rất ít và được coi là một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt thì đến nay, do biến đổi khí hậu, mưa đá đã trở thành một hiện tượng phổ biến và gây nhiều nguy hiểm.
Mưa đá trong những ngày vừa qua đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân ở những nơi xảy ra hiện tượng thời tiết này. Mưa đá đi kèm với gió to nên tác động lớn gấp nhiều lần. Mưa đá có thể làm nhà tốc mái, phá hoại cây cối, mùa màng và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người nơi đây. Điển hình như trận mưa đá kỷ lục trong 30 năm ở Tuyên Quang vào ngày 3 tháng 4 vừa qua. Điều đáng nói ở đây, cơn mưa đá chỉ kéo dài trong vòng hơn 5 phút nhưng với cường độ mạnh tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hư hỏng khoảng 100 ha hoa màu và khiến 1.000 ngôi nhà lợp mái fibro xi măng bị thủng. Vừa qua, tại Lào Cai, cơn mưa đá cùng với gió xoáy mạnh đã khiến 12 nhà dân bị tốc mái và khiến một số diện tích rau xanh của người dân. Ngoài ra, mưa đá đi kèm lốc xoáy đã làm tốc mái khoảng 300 ngôi nhà, 7 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều công trình trường học, điện lưới và hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại.
Chính ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ngày càng gia tăng và ngày càng có dấu hiệu trái với quy luật tự nhiên. Tình hình biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn với những chiều hướng phức tạp hơn, hậu quả khó lường hơn. Những quy luật về thời tiết không còn diễn biến như trước nữa. Đó thật sự là nỗi lo cho tất cả chúng ta nói chung và những người nông dân nói riêng. Điều cần nhất lúc này, trung tâm khí tượng cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, đặc biệt là các tác động của biến đổi khí hậu, để có thể dự báo chính xác nhất thời tiết bất thường, cực đoan xảy ra cho người dân ứng phó kịp thời.
(Theo T/C Môi trường và Cuộc sống )