Hạn hán tại Ninh Thuận: Khốc liệt nhất trong 15 năm qua
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:00, 07/04/2016
Cừu tại thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đang sống cầm cự vì không còn thức ăn, nước uống.
“Cuộc chiến” giành nước
Thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải gần như không còn màu xanh. Rẫy ruộng xơ xác, khô khốc. Nhìn đàn cừu đứng liu xiu trên đám đất không có lấy một ngọn cỏ, ông Nguyễn Luyến – thở dài: “Chúng ăn đất chứ còn thứ gì nữa đâu mà ăn. Nhiều con đói quá nó lấy hai chân trước đào cả gốc cây lên gặm luôn. Tôi nuôi một đàn hơn 30 con, giờ còn có 20 con. Nó chết lai rai mấy tháng nay như người không có việc làm, chiều lại chỉ biết ngồi lai rai bia rượu”.
Ông Luyến bảo muốn “đẩy” đàn cừu đi càng nhanh càng tốt, vớt vác được đồng nào hay đồng đó nhưng bán cũng không xong vì thương lái mua một con chỉ có… 500 nghìn đồng. “Mình mua con giống đã hết 2 – 2,5 triệu đồng/con nhưng càng nuôi nó càng ra da với xương. Rồi người ta mua sợ chở đi giữa đường nó “xỉu” nên đòi trừ phần trăm ra nữa, chê lên chê xuống. Họ thấy chúng tôi khó mà ép giá thế đó. Tôi phó mặc đàn cừu cho trời đất luôn, tới đâu đó tới. Đến lúc rồi người cũng không có mà ăn, mà uống chứ đừng nói cừu” – ông Luyến thở dài.
Cứu không nổi cừu, nhiều người dân tập trung cứu rẫy nho đang khô quắt từng giờ. “Bất cứ thứ gì cầm cố ngân hàng được người dân đều cầm tất để khoan nước” – ông Luyến nói và cho hay khoan tại rẫy không ra nước, người đổ xô lên lòng hồng Ông Kinh đã trơ đáy từ cuối năm 2015 đến nay hì hục khoan khoét tìm nước.
Anh Võ Đình Trung (quản lý hồ Ông Kinh) cho biết, hơn 100 hộ dân đổ xuống lòng hồ dựng nhà tạm, thuê người khoan đục xuống tận âm phủ tìm nước trong nhiều tháng nay.
Có mặt tại lòng hồ Ông Kinh, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hàng trăm máy nổ và dây ông nước vắt ngang qua thân đập đi khắp các rẫy nho nằm kề cận. Kinh phí đầu tư một bộ dây như vậy tùy theo khoảng cách chi phí hết 40 – 70 triệu đồng.
Người dân đổ xô xuống lòng hồ Ông Kinh khoan đất tìm nước.
Thuê một máy múc đào một cái giếng lớn sâu hơn 7m nhưng dùng được hơn 1 năm thì trơ đáy, anh Phan Văn Nhỏ (22 tuổi, chủ một rẫy nho dưới lòng hồ Ông Kinh) tiếp tục thuê người khoan tại một nơi gần đó kiếm nước. “Nhà tôi đổ cả 50 triệu đồng đào cái giếng ấy, ngoài đập cũng hết nước rồi, lòng hồ như sa mạc, khoan miết không thấy. Giờ khoan chỗ này hết 15 triệu đồng nữa mà không thấy nước nữa chắc không biết lấy gì ăn. Cỏ cũng không có nước mà trồng cho cừu. Giờ chúng đi ra ngoài trời ăn, gặp gì đó ăn. Miếng cơm gia đình giờ nhờ cả vào mấy sào nho” – anh Nhỏ vừa nói vừa động viên người khoan nước ráng lên, nho chết hết rồi!
Thoi thóp
Tại xã Thanh Hải, hơn 4.000 con bò, dê, cừu đang ngoi ngóp sống cầm cự vì không có thức ăn. Ông Nguyễn Thành Nhựt – Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết, hầu hết các thôn trên địa bàn đều thiếu nước sản xuất và xuất hiện nhiễm mặn sâu. “Năm 2015, tỉnh có hỗ trợ cho người dân thức ăn gia súc như cám, bột thay cỏ nhưng năm nay chưa thấy có quyết định hỗ trợ” – ông Nhựt nói và cho biết xã chỉ còn cách khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cây trồng sang các loại cây ngắn ngày như ngò, hành, tỏi…
Hạn hán khốc liệt không kém là tại huyện Bắc Ái. Nhiều đàn cừu hàng trăm con ở xã Phước Thành phải di chuyển đi nơi khác tìm nước uống. Tính đến nay, dung tích các hồ chứa, đập dâng tại huyện này tiếp tục xuống thấp. Bà Ngô Thị Kim Cúc – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Bắc Ái lo lắng: “Nếu tiếp tục không có mưa, các suối có thể khô cạn hoặc lưu lượng rất thấp, không có khả năng cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Huyện này phải khuyến cáo không gieo trồng lúa mà chuyển sang gieo trồng các loại cây khác ít sử dụng nước hơn và chỉ sản xuất ở khu vực gần kênh mương chính và kênh cấp 1.
The bà Cúc, hạn hán đã làm chết 44 con gia súc tại xã Phước Trung (bò 3 con; dê, cừu 41 con); xã Phước Chính (1 con trâu, 2 con bò); xã Phước Thành (3 còn bò). Về trồng trọt, 101,2ha bị thiệt hại do hạn hán (cụ thể: 10,7ha mía, 2ha mỳ, 10ha lúa, bắp 78,5ha ở các xã Phước Chính, Phước Thành).
“Tình hình hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh, gây thiếu nước sinh hoạt, đình trệ sản xuất; nhiều vùng hầu như không sản xuất phải nhờ sự cứu trợ từ Chính phủ và các tổ chức từ thiện” – bà Cúc cho biết.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ninh Thuận, trong mùa khô 2016, từ nay đến cuối tháng 5.2016, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN từ 10-40%, tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài đến tháng 9.2016, độ mặn sẽ xâm nhập sâu vào vùng cửa sông ven biển của tỉnh này.
Theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, từ tháng 5-6, tổng dự kiến diện tích tưới cho hơn 7.648ha, tuy nhiên, nếu hồ Đơn Dương không còn đủ lượng nước đáp ứng nhu cầu dùng nước thì sẽ giảm diện tích gieo trồng khoảng 4.000ha. Vì vậy, tổng diện tích dự kiến cho vụ hè thu sẽ giảm còn hơn 13 nghìn ha. Trước tình hình hạn hán khốc liệt đang hoành hành, tỉnh Ninh Thuận vừa đề xuất kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ 115,7 tỉ đồng.
(Theo Lao động)