Hàng trăm người xuống lòng hồ mưu sinh vì hạn hán

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:53, 30/03/2016

(Moitruong.net.vn)

dat-diu-2018-1459272014

Người dân thôn Ma Nai, xã Phước Thành (Bác Ái) xuống lòng hồ cất chòi tạm ở lại sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Tư Huynh

Sông Sắt là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Ninh Thuận với dung tích thiết kế 70 triệu m3. Hạn hán đang kéo dài khiến nước trong lòng hồ xuống thấp, chỉ còn 1/4, trơ ra những khoảng đất ẩm ướt, có thể trồng tỉa cây ngắn ngày. Để có cái ăn trong mùa hạn, hai năm nay, nhiều gia đình đã rời làng kéo xuống lòng hồ canh tác nông nghiệp.

Từ cuối năm ngoái, gia đình bà Pinăng Thị Nhém ở thôn Ma Nai đã xuống lòng hồ “xí phần” được một hecta đất ẩm. Họ cất chòi tạm để ở và trồng trọt. Mùa bắp vừa rồi, do không có tiền đầu tư phân thuốc, cuối vụ, gia đình bà thu hoạch với số bắp ít ỏi, bán được 6 triệu đồng. “May mà thu được ít bắp trồng dưới này, chứ không cả nhà đói rồi. Hạn hán, đất ở trên làng đâu có sản xuất được”, bà Nhém thở dài.

thuy-dien-9745-1459272015

Hồ Sông Sắt cạn gần trơ đáy. Ảnh: Tư Huynh

Cách nhà bà Nhém khoảng 300 m là căn chòi của đại gia đình bà Katơh Thị Ném với ba thế hệ tá túc. Con cháu bà đều đến đây làm rẫy. Vài ba ngày, bà hoặc con gái mới về làng một lần, chủ yếu để mua gạo và đồ dùng. “Sống trong này không có tivi, buồn hơn ngoài làng. Lúc đầu buồn lắm, nhưng giờ chúng tôi cũng quen rồi. Sồng trong đây ai cũng như mình cả”, bà Ném nói.

Những hộ dân có con nhỏ thì vất vả hơn. Cả ngày cha mẹ ở trong lòng hồ, con cái ở nhà phải tự túc nấu ăn, đi học. Làng Ma Nai giờ vắng bóng người lớn. Con nít tụm ba tụm bảy chơi với nhau. “Ban đêm, mình phải ở đây trông rẫy, còn vợ về nhà xem mấy đứa nhỏ thế nào. Mấy đứa còn đi học, mình cũng lo”, anh Chamalé Sơn nói.

Quanh lòng hồ đã có gần trăm hộ dân ở huyện Bác Ái di chuyển vào đây làm hàng rào và chòi tạm. Nước rút xuống, ai chiếm được khoảng nào liền làm hàng rào sở hữu tạm thời đến đó. Họ trồng các loại cây ngắn ngày chịu hạn như: bắp, đậu xanh, đậu ván.

Ngoài thu nhập từ nông sản bán được, phụ phẩm từ cây trồng còn được sử dụng cho chăn nuôi bò và dê. Ngoài ra, mỗi buổi chiều, người dân sống trong lòng hồ còn tranh thủ đi câu cá ở các khe nước còn lại để có thức ăn dùng cho ngày hôm sau. Khó khăn, vất vả, nhưng nhờ đó mà gia đình có miếng ăn sống qua ngày.

Ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được tình trạng người dân dắt díu xuống lòng hồ sinh sống. Nhưng trong mùa hạn, địa phương rất thông cảm cho việc mưu sinh của đồng bào.

“Bà con chỉ được phép sản xuất tạm thời để cứu đói trong lúc hạn hán khó khăn. Tới mùa mưa, qua khỏi đợt hạn hán này, bà con phải trở về làng mình sinh sống”, ông Phương cho biết.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc thiếu nước sinh hoạt sẽ xảy ra ở nhiều địa phương do nguồn nước cấp bị nhiễm mặn hoặc hết ở một số trạm bơm. Lượng nước tích tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn 50 triệu m3, xấp xỉ 26% dung tích thiết kế. Dự báo trong vụ hè thu năm nay có khả năng 10 hồ chứa nước nhỏ sẽ cạn, do vậy nguồn nước sản xuất chủ yếu dựa vào hồ Đơn Dương xả qua nhà máy thủy điện Đa Nhim; lượng nước ít ỏi ở các hồ còn lại chủ yếu dành cho chăn nuôi và sinh hoạt.

Hạn hán khốc liệt đã tác động lớn đến tình hình kinh tế – xã hội và đời sống của nhân dân trong tỉnh. Vừa qua, tổng diện tích phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới trong vụ đông xuân là 5.775 ha. Tỉnh cần 6 nghìn tấn gạo để cứu đói do người dân không thể sản xuất. Hiện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình kế hoạch xin hỗ trợ đợt 1 trên địa bàn tỉnh là 1.954 tấn gạo để hỗ trợ cho hơn 30 nghìn hộ (hơn 130 nghìn nhân khẩu).

Đến cuối tháng 3, số gia súc phải di chuyển là 3.815 con. Trong đó, 690 con trâu – bò; 3.125 con dê – cừu. Dự kiến trong tháng 4, nếu không có mưa số lượng gia súc phải di dời tăng lên khoảng 20.000 con.

(Theo Vnxpress)

(Theo Vnxpress)