Biến đổi khí hậu khiến nhiều dịch bệnh bùng phát
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:46, 26/12/2016
Hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế mà hơn hết nó còn là điều kiện thuận lợi để bùng phát nhiều loại dịch bệnh gây hại cho con người.
Biến đổi khí hậu liên quan mật thiết với dịch bệnh
Thông tin trên Hà Nội Mới, Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hợp quốc (IPCC), 95% nguyên nhân gây hiện tượng nóng lên toàn cầu là do hoạt động của con người, trong đó đáng kể nhất là khí thải nhà kính. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo về hiện tượng nóng lên ở Việt Nam. Cụ thể, từ năm 1958-2014, nhiệt độ trung bình ở nước ta đã tăng lên 0,62 độ C, lượng mưa tăng nhiều ở các tỉnh miền Nam (6,9% – 19,8%). Số lượng ngày nóng trong năm tăng lên 34 ngày trong 10 năm qua, số lượng các cơn bão cũng tăng đáng kể…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, có sự liên quan mật thiết giữa một số bệnh dịch phát hiện trên người và các tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian gần đây.
95% nguyên nhân gây hiện tượng nóng lên toàn cầu là do hoạt động của con người, trong đó đáng kể nhất là khí thải nhà kính
Trong đó, nổi cộm là các bệnh như: Thiếu chất dinh dưỡng, căng thẳng, mất ngủ, kém ăn, chóng mặt, nhức đầu…, nhất là các bệnh truyền nhiễm ghi nhận ngày một nhiều do nhiệt độ tăng cao. Còn theo các nghiên cứu được đưa ra tại hội thảo khoa học chủ đề “Biến đổi khí hậu và sức khỏe môi trường trong thời kỳ hội nhập” vừa diễn ra tại Hà Nội, người già và trẻ em là hai nhóm dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng kém.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thúc đẩy sự phát triển của các loài muỗi, làm tăng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết, sốt rét… Trong hơn 10 năm qua, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền tăng dần qua các năm.
Thống kê cho thấy, hằng năm Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc các bệnh truyền nhiễm với hàng nghìn trường hợp tử vong. Nguyên nhân khiến xuất hiện các bệnh mới nổi và tái nổi là do biến đổi khí hậu, môi trường. Một số loại bệnh nhiệt đới đã biến mất ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đang phát triển mạnh tại Việt Nam như: Lao, sốt xuất huyết, sốt rét…
Một số căn bệnh chết người khó ngăn chặn
1. Bệnh than
Việc không kiểm soát được lượng metan thải ra khí quyển, làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên, khiến băng vĩnh cửu ở Siberia tan dần.
Khi những lớp băng này tan dần, căn bệnh chết người vốn chôn vùi trong đó hàng trăm, hàng ngàn năm được có cơ hội “hồi sinh”, nhanh chóng lây sang người và vật nuôi.
Một bản tham khảo các mối đe dọa đang xuất hiện gần đây cho biết, tháng 7/2016, một con tuần lộc 75 năm tuổi bị giã băng, đã gây ra dịch bệnh than lần đầu tiên kể từ năm 1941.
Trận dịch này giết chết hơn 2000 con tuần lộc và gây bệnh cho 13 người dân Siberia.
2. Sốt Zika
Khi nhiệt độ tăng ở vùng thuộc vĩ độ cao, bệnh tật vùng nhiệt đới có cơ hội “di cư” đến vùng ôn đới, khu vực vốn dĩ không thể đối phó lập tức với các bệnh lan truyền do muỗi như Zika.
3. Chứng bệnh Zombie
Đây có thể là một loại virus chết người khác đang được giữ an toàn dưới những lớp băng vĩnh cửu. Nhưng khi băng tan, virus Neanderthal, bệnh đậu mùa và những bệnh cổ xưa khác sẽ được quay về môi trường sống sau hàng ngàn năm.
Năm 2015, các nhà nghiên cứu phát hiện một loại virus khổng lồ vẫn có thể lây truyền sau khi bị chôn trong băng vĩnh cửu tận 30.000 năm.
Một loại virus khổng lồ vẫn có thể lây truyền sau khi bị chôn trong băng vĩnh cửu tận 30.000 năm
Mặc dù loại virus chỉ lây nhiễm trên amip, nhưng có thể còn có những loại gây nguy hiểm cho con người đang ẩn giấu dưới lớp băng vĩnh cửu.
Cả người Neanderthal và người hiện đại đều sống ở khu vực Siberia cách đây 28.000 năm, cho nên có khả năng những loại gây bệnh lan truyền cho cả hai giống người vẫn còn xung quanh.
4. Bệnh truyền qua ve (Tick-borne)
Bọ ve là sinh vật có khả năng lây lan bệnh tật như muỗi, chúng sẽ hoạt động tích cực hơn, di chuyển đến những khu vực mới khi khí hậu biến đổi, mùa hè nóng hơn và dài hơn.
Babesiosis là một bệnh truyền qua ve, đang tăng lên về số lượng tại Mỹ. Năm 2011, hơn 1100 trường hợp nhiễm bệnh Babesiosis từ 15 tiểu bang được báo cáo lên Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ.
Bọ ve là sinh vật có khả năng lây lan bệnh tật như muỗi
Bệnh Lyme, còn gọi là bệnh phát ban kinh niên do loài ve thân cứng (Ixodiae) truyền xoắn khuẩn Borrelia burgdorfrei gây bệnh,đang có dấu hiệu lan rộng.
Ở những vùng ôn đới phía bắc bán cầu, bệnh Lyme xảy ra với mức độ lưu hành cao, trở nên phổ biến khi những đàn hươu, đàn nai phát triển tăng lên và vật chủ nguy hiểm này đã có khả năng thích nghi với cuộc sống gần con người.
5. Bệnh tả
Dịch tả bùng nổ cùng với biến đổi khí hậu do các vi khuẩn gây bệnh có xu hướng thích thời tiết ấm áp và nước ấm.
Bệnh này lây lan trong môi trường nước ô nhiễm, có thể tăng lên ở các quốc gia có điều kiện vệ sinh thấp.
Nhiệt độ cao và những cơn bão dữ dội do biến đổi khí hậu gây ngập lụt, làm nước bị ô nhiễm. Mỗi năm trên thế giới, có khoảng 100.000 người chết vì bệnh tả.
Phạm Huyền (t/h)