Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới với chủ đề “Hiểu biết về mây”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:03, 23/03/2017
(Moitruong.net.vn) – Sáng nay (ngày 23/3), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới (23/3) với chủ đề “Hiểu biết về mây”.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Khí tượng thế giới (23/3) với chủ đề “Hiểu biết về mây”
Tham dự lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bà Cecilia Piccioni, Đại sứ Italia tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành đối tác phát triển, đại diện lãnh đạo Cục KTTV&BĐKH, Trung tâm KTTV quốc gia, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cùng đông đảo các cán bộ công tác trong lĩnh vực Khí tượng thủy văn.
Ngày Khí tượng Thế giới năm nay, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã chọn chủ đề là: “Hiểu biết về mây”. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển: Chủ đề năm nay truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của mây trong hệ thống thời tiết, khí hậu, sự cần thiết trong nghiên cứu về mây để nâng cao năng lực, trình độ dự báo thời tiết, khí hậu phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh thiên tai; đồng thời qua đó cũng giúp nâng cao hiểu biết của người dân về các hoạt động khí tượng thuỷ văn, các dịch vụ khí hậu mà ngành khí tượng thuỷ văn cung cấp, các yếu tố ảnh hưởng đến công tác cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn…
Thông qua chủ đề, WMO gửi gắm thông điệp về tầm quan trọng của mây trong cuộc sống từ góc nhìn khoa học và nghệ thuật. Các đám mây đã góp phần điều tiết chu trình nước và toàn bộ hệ thống khí hậu. Hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để dự báo tình hình thời tiết, mô phỏng các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và dự đoán nguồn tài nguyên nước.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay mạng lưới trạm khí tượng thủy văn ở nước ta gồm 871 trạm trong đó có 186 trạm khí tượng có quan trắc yếu tố mây, 6 trạm radar thời tiết, 3 trạm vô tuyến thám không, gần 400 trạm đo mưa và các trạm còn lại đo bức xạ, ozon, khí tượng nông nghiệp và hải văn. Thời gian qua, với sự quan tâm của nhà nước, ngành khí tượng thủy văn đã được nâng cấp và tiếp nhận mới một số công nghệ và thiết bị quan trắc hiện đại như vệ tinh, radar, định vị dông sét…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết, thời gian tới, các cơ quan tổ chức nghiên cứu về khí tượng, thủy văn cần tiếp tục rà soát, cập nhật kết quả, sử dụng hiệu quả các nghiên cứu về mây, phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao hiệu quả, chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, khí hậu thủy văn tại Việt Nam.
Cùng đó, xây dựng mô hình dự báo phù hợp trên cơ sở thông tin, kiến thức cập nhật về mây, xây dựng cở sở dữ liệu về mây, cập nhật, hoàn thiện Atlas mây cho Việt Nam để phục vụ dự báo, cảnh báo khí hậu, thời tiết.
Đặc biệt, đẩy mạnh hợp tác quốc tế chia sẻ thông tin để xây dựng mô hình dự báo, cảnh báo phù hợp, hiện đại.
Bạch Dương (T/h)