Cà Mau: Biến đổi khí hậu gây thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:40, 20/03/2017

Chỉ tính riêng năm 2016, thiên tai đã làm chìm 25 phương tiện, hư hỏng 2 phương tiện khai thác, làm chết 6 người, mất tích 5 người; tốc mái 344 căn nhà, sập 96 căn nhà, sạt lở đất ven sông 4.746 mét. Hạn hán, xâm mặn đã gây thiệt hại gần 53.000 ha lúa, 158.000 ha nuôi trồng thủy sản, làm sụp lún, lở đất, hư hỏng 112 km đường giao thông, hơn 14.470 hộ dân thiếu nước sinh hoạt… Tổng thiệt hại do biến đổi khí hậu trong năm ước khoảng 1.500 tỷ đồng.

(Moitruong.net.vn) Đây là con số được báo cáo trong buổi làm việc của lãnh đạo tỉnh Cà Mau và các cơ quan chức năng với bà bà Cornelia Richter, Giám đốc điều hành Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Bờ biển Cà Mau dài 254 km, có gần 100 km đang bị sạt lở, trong đó có 40 km sạt lở nghiêm trọng. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng nâng cấp hơn 22 km do tính khẩn cấp với tổng kinh phí trên 640 tỷ đồng.

images612962_LuaCaMau

Nhiều diện tích lúa bị chết do hạn mặn ở Cà Mau

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chia sẻ với báo chí, tuy mang đến nhiều thiệt hại nhưng biến đổi khí hậu cũng góp một phần giúp Cà Mau phát triển kinh tế, thay vì trồng lúa năng suất thấp, người dân có thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản. 

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thế giới và Đại học Copenhaghen (năm 2012) cho biết, nếu kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm trong giai đoạn 2007 – 2050 thì tốc độ tăng trưởng bị tác động bởi BĐKH (cụ thể là bão) có thể ở mức 5,32% đến 5,39% – tức là tốc độ tăng trưởng có giảm nhưng không đáng kể. Nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do BĐKH có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD vào năm 2050 – một thiệt hại tương đối lớn về giá trị tuyệt đối và có thể giảm xuống nếu Việt Nam có chính sách ứng phó với BĐKH phù hợp và hiệu quả.

Khánh Thu

Khánh Thu