Sự ấm lên toàn cầu có thể đe dọa sự sống còn trên Trái Đất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:10, 17/03/2017

(Moitruong.net.vn) – CO2 là loại khí nhà kính chịu trách nhiệm chính cho sự nóng lên toàn cầu không chỉ xuất hiện trong không khí mà còn bị nhốt chặt ở sâu dưới lòng đất.

CO2 có thể bùng nổ khi Trái Đất nóng lên

Biến đổi khí hậu có thể giải phóng một lượng khí CO2 làm nóng hành tinh và lượng lớn các khí nhà kính đang bị “nhốt” trong lòng đất. Điều này có thể làm tăng 30 % lượng khí thải trên phạm vi toàn cầu.

Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley tại California, Mỹ đã cố gắng mô phỏng điều gì sẽ xảy ra khi các lớp đất dày khoảng 1m trước nguy cơ nhiệt độ gia tăng 4 độ C , mức nhiệt dự kiến bùng nổ vào năm 2100. Nếu không có giải pháp ưu việt thì khó có thể tránh khỏi “đại nạn” CO2 trỗi dậy.

Vấn đề CO2 bị mắc kẹt và các hợp chất cacbon khác như khí mê-tan phát tán ra khỏi những vùng đất nóng đã được xem xét kỹ lưỡng trong những năm gần đây.

Hiện nay, nghiên cứu mới cho thấy, do khoảng ba lần lượng cacbon hữu cơ bị khóa chặt vào mặt đất đang phát thải ra bầu không khí nên những ảnh hưởng có thể nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dụng cụ để đo Nồng độ CO2 ở các độ sâu và bề mặt khác nhau. Họ phát hiện ra rằng đất nóng hơn sản sinh ra từ 34% – 37% lượng carbon so với đất không bị nung nóng, và 40% trong số đó có nguồn gốc ở độ sâu ít nhất là 15 cm.

Carbon không chỉ phát thải từ mặt đất, mà còn “bùng nổ” từ các hoạt động mạnh mẽ của vi khuẩn khi Trái Đất ấm lên.

Trong một tuyên bố, Margaret Torn, một nhà sinh thái học người Mỹ cho hay: “Lớp đất sâu hơn có chứa rất nhiều carbon. Đây là một thành phần quan trọng giúp chúng ta hiểu hơn về tiềm năng của đất đối với khí hậu của Trái Đất”.

Đất bị mất carbon không phải là phản ứng duy nhất với sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, hiểu được những quá trình tương tác này ở quy mô toàn cầu là rất quan trọng đối với việc gia tăng hiểu biết về biến đổi khí hậu.

Thanh Tùng