An Giang: Tăng cường phòng chống hạn, xâm nhập mặn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:17, 17/04/2017
(Moitruong.net.vn) – Theo Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang thời tiết, mùa khô 2016 – 2017 khu vực tỉnh An Giang có Nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô từ tháng 3 – 4/2017 có khả năng cao hơn TBNN từ 0,5 – 1,00C.
Theo dõi mực nước triều cường, vận hành các công trình thủy lợi hợp lý để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vục sản xuất, dân sinh trong thời gian dài.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nạo vét kênh, duy tu, sửa chữa cống bọng, nhất là hệ thống kênh mương ở các khu vực có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, kịp thời tạo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.
Bố trí hợp lý lịch xuống giống né hạn, mặn cho từng khu vực; không nên gieo trồng ở những nơi có nguồn nước tưới không ổn định; đồng thời, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật bằng biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.
Người dân cần chủ động nước trong nuôi trồng thủy sản
Thông báo cho địa phương và người dân trong khu vực dễ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, thường xuyên theo dõi thông tin, kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước tưới.
Đối với vùng cao bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất cần phải tổ chức cấp (chuyển) nước đảm bảo đủ sinh hoạt cho nhân dân, thực hiện bơm chuyền cấp 2, cấp 3 để cứu lúa và hoa màu. Lập kế hoạch trữ nước cho các hồ chứa hỗ trợ cấp nước sinh hoạt và phục vụ tưới chống hạn cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền ý thức sử dụng tiết kiệm điện, nước đặc biệt là trong các tháng mùa khô.
Riêng huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn: Chuẩn bị phương án thiết kế đắp đập tạm và đăng ký với các cửa hàng tại địa phương (nơi gần nhất) chuẩn bị vật tư, trang thiết bị,… sẵn sàng đắp đập tạm khi có mặn xâm nhập. Tổ chức khảo sát và đề xuất các biện pháp phòng chống hạn lâu dài cho vùng cao. Đối với các vùng hạn, ngoài việc nạo vét kênh dẫn nước, cần hướng dẫn người dân khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý.
Đối với vùng nuôi trồng thủy sản cần căn cứ vào dự báo thời tiết, tình hình xâm nhập mặn để điều chỉnh lịch mùa vụ, thả nuôi trong điều kiện nhiệt độ, độ mặn cho phép.
Rà soát, kiểm tra các hạng mục công trình phòng, chống ngập úng; đề phòng tình trạng các bờ bao bị xói lở, sụp lún do mưa lớn, trái mùa dẫn đến nguy cơ gây bể bờ, tràn bờ vào thời điểm triều cường; bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “bốn tại chỗ”; khai thông các cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài; đồng thời, tổ chức lắp đặt các trạm bơm di động, đảm bảo đủ nguồn điện để chủ động bơm tiêu chống úng bảo vệ sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái…
Giang Sơn