Hậu Giang: Chủ động di rời người dân ở khu vực sạt lở
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:00, 19/05/2017
(Moitruong.net.vn) – Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 3 địa phương thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng là huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A và thị xã Ngã Bảy.
Hậu Giang chủ động di rời người dân ở khu vực sạt lở
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang, trong tháng 5, khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa và có khả năng bắt đầu mùa mưa vào khoảng tuần giữa tháng. Tại tỉnh Hậu Giang, lượng mưa được dự báo khoảng 100 – 150 mm (phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).
Đề cập đến giải pháp hạn chế sạt lở, các sở, ngành liên quan sẽ khảo sát sự thay đổi trên một số dòng sông lớn như sông Ba Láng, Cái Côn, Mái Dầm để khuyến cáo cho các công trình nằm trên những dòng sông này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng một số trụ cảnh báo theo dõi lún, sạt lở, mực nước nhằm cảnh báo sớm cho người dân trước nguy cơ sạt lở.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang khuyến cáo, người dân cần chủ động di dời ra xa vị trí bờ sông đang có nguy cơ sạt lở cao, xây dựng các loại kè tạm để hạn chế nguy cơ sạt lở, thông tin trên TTXVN.
Gần đây nhất, ngày 5/5, một đoạn đê bao trên sông Ba Láng cách đoạn kè chống sạt lở ấp Thạnh Lợi khoảng 10 m hướng đi về Cần Thơ (ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A) bị sạt lở nghiêm trọng. Vụ sạt lở làm 45 m đường giao thông nông thôn, 45 m hàng rào của hai hộ dân, 45 m thảm đá vừa thi công xong, 1 cột điện hạ thế, cây cối bị sụt lún và sạt ra phía dòng sông khoảng 5 m. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu là 1,8 tỉ đồng. Rất may không có thiệt hại về người.
Ông Đoàn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A cho biết, nền đất tại sông Ba Láng yếu cộng thêm dòng chảy của sông mạnh, nên nguy cơ sạt lở trên đoạn sông này vào mùa mưa là khá cao. Phía địa phương đã cắm biển cảnh báo tại những điểm nguy cơ sạt lở cao, tuyên truyền cho người dân sống dọc bờ sông đóng cọc để hạn chế ảnh hưởng của dòng chảy.
Hồng Thái