Ðiều hành liên hồ chứa bảo đảm an toàn hạ du lưu vực sông Hồng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:04, 22/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 21/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp chỉ đạo vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng. Cùng dự có Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và các bộ, ngành liên quan… Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại buổi họp
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về điều hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng vào sáng 21/7, Trưởng Ban chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã quyết định mở thêm cửa xả đáy thứ 3 của hồ thủy điện Hòa Bình vào 6h, sáng 22/7, để đảm bảo an toàn cho hồ.
Trước đó, khi có lệnh từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã mở 1 cửa xả đáy vào lúc 18h, ngày 18/7 và mở tiếp 1 cửa lúc 06h00, ngày 19/7, đồng thời, phát điện hết công suất 8/8 tổ máy. Tuy nhiên, mực nước hồ lúc 18h ngày 18/8 (thời điểm mở cửa xả đầu tiên) là 106,19m, lúc 8h00 ngày 21/7 là 106,32m (mực nước thậm chí còn cao hơn trước khi xả) đồng thời cao hơn mực nước cho phép là 5,32m.
Trong điều kiện thời tiết mưa lớn liên tục cả tháng qua, Công ty Thủy điện Sơn La cũng mở 1 cửa xả lúc 08h00, ngày 19/7, phát điện hết công suất 6/6 tổ máy vào ban ngày và phát điện qua các tổ máy tối thiểu 1.700 m3/s vào ban đêm. Theo đó, mực nước hồ Sơn La lúc lúc 8h00, ngày 19/7 (thời điểm mở cửa xả) là 201,90m, lúc 8h00, ngày 21/7 là 201,07m (giảm 0,83m) nhưng vẫn còn cao hơn mực nước cho phép là 3,77m.
Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 8h, ngày 21/7, tức là sau hơn 2 ngày vận hành xả lũ, mực nước hồ Sơn La xuống chậm khoảng 0,42m/01 ngày (tổng dung tích đã xả đáy khoảng 277 triệu m3). Mực nước hồ Hòa Bình còn tăng cao hơn so với trước khi xả do lưu lượng về hồ vẫn lớn hơn tổng lưu lượng xả và phát điện. Tổng dung tích đã xả đáy về hạ du khoảng 657 triệu m3; tổng dung tích qua xả đáy và phát điện về phía hạ du hồ Hòa Bình khoảng 1.638 triệu m3.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh: Trong bối cảnh hai hồ Hòa Bình và Sơn La xả lũ, lưu lượng dòng chảy trên sông Hồng tăng cao làm gia tăng nguy cơ mất an toàn đê điều. Vì vậy, trong những ngày qua, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội được yêu cầu tức trực 24/14 giờ nhằm theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, dòng chảy cũng như những nguy cơ về mất an toàn đê điều. Đặc biệt, do trong thời gian dài không được thử thách trong lũ lớn nên hệ thống đê điều của Hà Nội xuất hiện những vị trí mạch đùn, mạch sủi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho rằng, tất cả các vị trí này đều đang được thành phố theo dõi sát sao, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó khi cần thiết. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng kiến nghị: Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cần hết sức thận trọng trong quá trình xả lũ. Việc mở các cửa xả hồ chứa cần được tính toán kỹ lưỡng, bao gồm cả những nguy cơ đối với cư dân vùng hạ du…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT có giải pháp cụ thể, khi xả lũ phải đảm bảo an toàn cho công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện và vùng hạ du, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đối với Bộ Công Thương, cụ thể là EVN, cần chỉ đạo các công ty thủy điện triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ và phát tối đa các tổ máy để hạ thấp, đưa mực nước về cao trình trước lũ theo quy định. Các Bộ ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường lực lượng tuần tra, cảnh giác tại những khu vực đê điều xung yếu, đảm bảo giao thông đường thủy và hoạt động sản xuất.
Lê Tâm