Hà Tĩnh: Các trại chăn nuôi “bủa vây” nhà máy xử lý nước sạch, nguy cơ ô nhiễm nước sinh hoạt
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 03:44, 31/07/2017
(Moitruong.net.vn) – Xung quanh khu vực nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều trang trại chăn nuôi đang “bủa vây” nhà máy. Hơn nữa, các hộ chăn nuôi còn xả chất thải trực tiếp xuống nguồn nước đầu vào của nhà máy, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt.
Nhà máy xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu vào
Lấy nơi Nhà máy Xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà (gọi là Nhà máy Nước Bắc Thạch Hà – P.V) đứng chân làm trung tâm, cách cả phía thượng lưu và hạ lưu chưa đến 2 km đã có 5 trang trại, hộ chăn nuôi xả chất thải trực tiếp ra sông Già – nguồn nước đầu vào của nhà máy. Tuy kết quả phân tích chất lượng nước vẫn đảm bảo nhưng về lâu dài tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của 4.100 hộ dân hưởng lợi từ dự án.
Nhà máy nước Bắc Thạch Hà được xây dựng tại xã Thạch Liên có công suất 3.000 m3/ngày đêm, sử dụng nguồn nước mặt từ sông Già. Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh trực tiếp quản lý khai thác và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2016, hiện đang cung cấp nước sinh hoạt cho 4.100 hộ dân thuộc 4 xã Thạch Liên, Thạch Kênh, Việt Xuyên, Phù Việt (Thạch Hà) và 1 thôn của xã Tiến Lộc (Can Lộc).
Dù mới đưa vào sử dụng không lâu nhưng những gì đang diễn ra xung quanh nhà máy lại làm không ít người dân bất an. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về chất lượng nước đầu vào khi xung quanh nhà máy có nhiều trang trại chăn nuôi không có hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp xuống sông Già.
Một người dân hiện đang sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước Bắc Thạch Hà không giấu nổi sự lo lắng: “Đứng trên cầu Già nhìn xuống phía hai bên bờ sông là thấy ngay trang trại chăn nuôi. Ngược lên phía thượng nguồn có vài trại vịt, trại lợn hay xuôi về hạ nguồn cũng có trang trại tổng hợp. Chưa kể cách nhà máy nước 9 km thì có đến 3 km ven bờ sông là nơi sinh sống của người dân. Dù chất lượng nước đầu ra qua kiểm tra vẫn đảm bảo nhưng với thực tế đầu vào nguồn nước như vậy thì ô nhiễm chỉ là vấn đề thời gian…”.
Đây là một trong những trang trại khiến người dân lo lắng về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách nhà máy về phía hạ lưu 150m thuộc địa phận Thạch Kênh, có 1 trang trại chăn nuôi vịt, lợn và cách 80m có một cơ sở nuôi vịt, cá nước ngọt thuộc xã Thạch Liên; phía thượng lưu cách nhà máy gần 1 km có 2 trang trại vịt, cá nước ngọt, lợn thuộc Thạch Liên và Tiến Lộc (Can Lộc); 1 trang trại nuôi vịt, cá đối diện nhà máy về phía tả.
Được biết, thời gian gần đây, các cơ quan chức năng gồm Sở NN&PTNT, UBND huyện, xã liên quan đã tiến hành kiểm tra, xác nhận thông tin, hiện trạng một số trang trại trong lưu vực sông Già. Theo đó, 7 trang trại được kiểm tra thì 5 trang trại không có hệ thống xử lý nước thải, có hầm biogas nhưng không đạt chuẩn, đổ trực tiếp nước thải ra sông Già (2 trang trại mới xây dựng, chưa triển khai sản xuất).
Trao đổi với Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nguyễn Hồng Quang, được biết: “Trước khi xây dựng nhà máy, đơn vị tư vấn đã lấy mẫu nước mặt sông Già để phân tích các chỉ tiêu theo quy định, làm cơ sở lựa chọn công nghệ xử lý nước. Qua kết quả phân tích mẫu nước mặt trước khi lập dự án (ngày 6/3/2015) và sau khi nhà máy hoạt động (ngày 22/2/2017) cho thấy, các chỉ tiêu được đánh giá nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. Còn chất lượng nước sinh hoạt (nước đầu ra sau khi xử lý) được lấy mẫu kiểm tra theo hướng dẫn, kết quả xét nghiệm cho thấy, hiện tại, chất lượng nước của nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn cho phép và hiện đang kiểm soát được”.
Trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu vào đang diễn ra trước mắt, ông Quang chia sẻ thêm: “Để đảm bảo chất lượng nguồn nước cho nhà máy, UBND tỉnh đã cho bổ sung đầu tư xây dựng hạng mục hồ sơ lắng có diện tích 2.800 m2 với tổng mức đầu tư 6,7 tỷ đồng và hiện đã đưa vào vận hành. Hồ sơ lắng đóng vai trò là “người gác cửa”, xử lý bước đầu nguồn nước đầu vào sau đó mới chuyển sang hệ thống lọc theo quy trình… Tuy vậy, về lâu dài, đơn vị rất mong nhận được sự phối hợp của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ hộ chăn nuôi trong việc chuyển đổi, di dời, ngừng hoạt động các trang trại hiện đang xả thải xuống sông Già”.
Được biết, thời gian qua, UBND huyện Thạch Hà cũng đã có những động thái nhằm giải quyết tình trạng trên. Ông Hoàng Việt Hùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Thạch Hà cho biết: “Xung quanh nhà máy nước có 2 hộ chăn nuôi vịt, 1 hộ chăn nuôi lợn thuộc xã Thạch Liên, Thạch Kênh. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi vịt của hộ ông Bùi Văn Sơn phía đối diện gần nhà máy có nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước thô. Đối với mô hình của gia đình này, huyện đã trực tiếp nhiều lần chỉ đạo, vận động, tuyên truyền chấm dứt việc nuôi lợn, có lộ trình giảm và chấm dứt việc nuôi vịt, chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, đã cơ bản chấm dứt việc nuôi lợn, giảm quy mô đàn vịt xuống còn gần 3.000 con; hoàn thành hồ sơ đề nghị thuê đất sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản. Đối với các hộ còn lại, địa phương đã trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn hộ chăn nuôi vịt ở quy mô nhỏ lẻ, hộ chăn nuôi lợn giảm quy mô, sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, đặc biệt, gia cố bờ bao, không để nước trong ao hồ chảy tràn ra sông…”.
Khi “cái sảy chưa nảy cái ung”, các đơn vị liên quan cần nỗ lực tìm biện pháp hóa giải để tránh những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra đối với nguồn nước phục vụ sinh hoạt của bà con. Điều cần nhất lúc này là UBND huyện, các đơn vị liên quan cần tổ chức giải phóng trang trại chăn nuôi khu vực gần bờ sông, thực hiện công tác trục vớt, thu gom, xử lý bèo…; tuyên truyền, vận động người dân không được xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý xuống lòng sông. Đồng thời, định kỳ hàng tháng tiến hành lấy mẫu, phân tích, kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt.
Theo Báo Hà Tĩnh