Phân loại và xử lý rác thải nông thôn tại các hộ gia đình

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 22:39, 22/09/2017

Toàn cảnh buổi truyền thông

(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 22/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình tổ chức buổi truyền thông về bảo vệ môi trường năm 2017 tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. 

Buổi truyền thông là một hoạt động nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2017 với chủ đề “Quản lý rác thải vì môi trường nông thôn bền vững”.

Buổi truyền thông đã cung cấp các thông tin, kiến thức bổ ích về hiện trạng môi trường Việt Nam và tỉnh Hòa Bình; hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải nông thôn. Các thông tin, kiến thức này được truyền tải tới các cán bộ, hội viên hội phụ nữ tại địa phương để vận dụng vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương cũng như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ gia đình về tầm quan trọng của việc phân loại và xử lý rác thải nông thôn.

Tại buổi truyền thông, đồng chí Nguyễn Thị Huyền, cán bộ Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã hướng dẫn cho các chị, em Hội phụ nữ xã Tú Sơn cách phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình.

Chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt) sinh ra từ hoạt động hàng ngày của con người. Dựa vào tính chất, có thể chia chất thải rắn sinh hoạt thành hai loại là chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn vô cơ. Chất thải rắn hữu cơ là các thực phẩm thải, chất thải làm vườn, chăn nuôi như đồ ăn thừa, rau quả hư hỏng, phân chăn nuôi… và phần lớn đều là chất thải dễ phân hủy. Ngược lại, chất thải rắn vô cơ là những chất thải không có khả năng phân hủy trong điều kiện tự nhiên hoặc có thể phân hủy nhưng trong thời gian rất dài như thủy tinh, sành sứ, cao su, nhựa…

Theo đó, mỗi gia đình nên có hai thùng rác riêng để phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ; đồng thời, rác thải hữu cơ cần được được thu gom hàng ngày để tránh thối rữa. Sau khi thu gom, rác thải vô cơ được bán lại cho các cơ sở tái chế còn rác thải hữu cơ có thể được xử lý bằng phương pháp hố chôn rác thải. Rác thải hữu cơ được chôn vào hố được rắc chế phẩm sinh học, bỏ đất hoặc tro/ trấu rải lên và đậy nắp. Lợi ích từ phương pháp này là đơn giản, dễ thực hiện; giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt hữu cơ và không gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, có thể sử dụng rác đã phân hủy để làm phân bón, trồng cây.

Chia sẻ về sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ nông thôn tại nguồn, chị Sầm Thị Kim Quý đã đưa ra giải pháp chế phẩm sinh học giúp giảm mùi khó chịu của hố chôn rác thải hữu cơ; đồng thời, giúp rác thải hữu cơ phân hủy nhanh hơn, có độ dinh dưỡng cao hơn.

Chị Kim Quý cũng chia sẻ những kết quả thực tế của một số hộ gia đình khi sử dụng giải pháp chế phẩm sinh học nêu trên để làm phân bón cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi, xử lý chuồng trại, chất thải chăn nuôi… tạo nên các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khép kín, không chất thải và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Công ty TNHH Kolia Cao Bằng trồng chè đã sử dụng chế phẩm sinh học này và đạt chứng nhận quốc tế về nông nghiệp hữu cơ.
Các chia sẻ và hướng dẫn tại buổi truyền thông đã được các chị, em Hội phụ nữ xã Tú Sơn quan tâm và hưởng ứng. Nhiều chị, em mong muốn sẽ tiếp thu các kinh nghiệm về phân loại và xử lý rác thải tại nguồn bằng chế phẩm sinh học để áp dụng ngay tại gia đình, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.

Kết thúc buổi truyền thông, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình gửi lời cảm ơn tới Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã dành thời gian, tâm huyết trao đổi các nội dung thiết thực, ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Vân đề nghị, ngay sau buổi truyền thông hôm nay, các đồng chí lãnh đạo Hội phụ nữ các huyện, xã của tỉnh Hòa Bình bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tiếp thu các kinh nghiệm để hướng dẫn các hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại nguồn bằng chế phẩm sinh học.

Theo Monre

Theo Monre