Thừa Thiên – Huế: Chủ động di dời hơn 26.000 người tránh “Siêu bão” Doksuri

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:11, 14/09/2017

(Moitruong.net.vn) – Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn Trung ương, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri đang hướng thẳng vào nước ta, rủi ro thiên tai cấp 4 (chỉ sau cấp độ thảm hoạ). Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra các phương án chủ động ứng phó với cơn “siêu bão” này.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 10

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, vào hồi 13 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 530km về phía Đông Đông Nam. Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên – Huế dự báo, từ ngày 14-16/9, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa cả đợt từ 100 – 250mm.

Nhằm chủ động phòng chống thiên tai, tỉnh này đã triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu/106.104 hộ. Dự kiến đến 19 giờ ngày 14/9, sẽ hoàn thành việc sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn.

Đồng thời chủ động dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt năm 2017 với hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100 nghìn lít xăng, 100 nghìn lít dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa… Ngoài ra tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ lương thực và hướng dẫn người dân ở các cùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu 7 ngày cho gia đình để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra.

SB2

Do ảnh hưởng của bão số 10 tại thành phố Huế có mưa to, gió lớn làm cây xanh tại nhiều tuyến đường bị gãy đổ

Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển tăng cường số lần bắn pháo hiệu báo bão theo quy định, sẵn sàng phương tiện ca nô để phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền vào khu tránh trú an toàn.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm tra các công trình đang thi công, khu công nghiệp, kho tàng, nhà xưởng, hệ thống cột anten, di tích văn hóa, các ngầm, đò ngang…;  hướng dẫn người dân giằng chống nhà cửa, cảnh báo lều trại nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc, thuốc men.

Theo đánh giá, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra hệ thống thủy lợi để đảm bảo cho việc tiêu úng số diện tích lúa hè thu còn lại nhằm giảm tối đa thiệt hại; các địa phương ven biển tăng cường kiểm tra công tác chằng chống nhà cửa, việc neo đậu tàu thuyền và người trên tàu thuyền để kiên quyết đưa lên bờ đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết để đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh, toàn tỉnh có khoảng 250.000 học sinh từ cấp mầm non đến cấp THPT và các hệ Giáo dục thường xuyên sẽ được cho nghỉ học toàn bộ ngay từ chiều 14/9. Tùy theo tình hình nếu bão lớn sẽ có thông báo được nghỉ tiếp. Việc học bù lại sẽ được tiến hành trong học kỳ này.

Một số trường đại học, cao đẳng tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với khoảng hơn 60.000 sinh viên cũng đang có kế hoạch cho sinh viên nghỉ học từ chiều 14/9 để đảm bảo an toàn với cơn bão số 10 rất lớn đang chuẩn bị đổ bộ vào miền Trung trong ngày 14 – 15/9.

                                                                Huy Đội