Đi tìm giải pháp phòng ngừa, ứng phó lũ ống, lũ quét
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 01:44, 04/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Ngày 3/10, Hội thảo khoa học “Thảm họa thiên ta – lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc phát biểu tại Hội thảo
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế. Tính chung trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm 20.000 tỷ đồng (chiếm 1 – 1,5% GDP).
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tiếp cận các thành tựu khoa học kỹ thuật để cảnh báo, dự báo chính xác các hiện tượng thiên tai, trong đó có lũ ống, lũ quét để hạn chế các thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thứ trưởng mong muốn, tại Hội thảo này, đại diện Nhật Bản sẽ trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm và kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo và phòng chống thiên tai để nâng cao hiệu quả công tác phòng tránh thiên tai với tại Việt Nam trong thời gian tới.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Hội thảo đã nghe các báo cáo đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu về các vấn đề rất được quan tâm như hiện trạng nghiên cứu lũ quét hiện nay, những thách thức đặt ra, cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng công tác ứng phó, ra quyết định; danh mục các khu vực nguy hiểm rủi ro lũ quét, 2 tham luận đến từ Yên Bái và Sơn La, những tỉnh đã thường xuyên hứng chịu sự tàn phá của lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, hội thảo đã nhận được chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống rủi ro thiên tai liên quan đến nước, các công nghệ mới trong cảnh báo lũ quét, cũng như cách thức chia sẻ thông tin trong cảnh báo sạt lở đất đến từ các nhà quản lý, chuyên gia đến từ Nhật Bản và một số đại diện tham gia triển lãm thiết bị đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã đánh giá cao nội dung của Hội thảo. Để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương. Đồng thời, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu. Việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững, bao gồm những bước đi chính: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, trong đó cần ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo; Xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trị tiềm năng xảy ra nguy cơ;…
Theo Monre