Quảng Trị: Nhiều tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng bị sạt lở

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:37, 10/10/2017

(Moitruong.net.vn) – Do thường xuyên ảnh hưởng bởi bão lũ, hiện nay một số tuyến đê trong hệ thống đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã bị xói lở nghiêm trọng, trực tiếp uy hiếp đến sự an toàn công trình cũng như đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.

Quảng Trị nhiều tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng bị sạt lở

Được b iết, hệ thống đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, các tuyến đê bao đã phát huy hiệu quả, góp phần to lớn trong việc bảo vệ mùa màng và giảm thiểu thiệt hại do bão lũ cho người dân các xã vùng trũng.

Tuy nhiên, do thường xuyên ảnh hưởng của bão lũ nên hiện nay một số tuyến đê xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, sạt lở nặng. Đặc biệt, ảnh hưởng bởi các cơn bão số 4 và số 10 trong năm 2017 đã làm cho tuyến đê bao vùng trũng Hải Lăng ngày càng xói lở diễn ra mạnh hơn. Qua khảo sát thực tế tại một số tuyến đê trong hệ thống đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phát hiện nhiều vị trí sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Tại tuyến đê bao Hói Dét đoạn đi qua xã Hải Hòa, một số vị trí xung yếu dù đã được gia cố bằng cọc tre, tôn và đắp đất bằng bao tải cách đây chưa lâu nhưng hiện nay đã bị cuốn trôi do ảnh hưởng của bão số 4 và bão số 10 vừa qua. Tại đây, trong tổng số 350 m đê bao được gia cố thì đã có hơn 25 mét bị cuốn trôi. Nguy hiểm hơn, tình trạng xói lở đã ăn sâu vào thân đê khoảng 0,5 mét, tạo thành các hàm ếch lớn gây mất an toàn cho thân đê.

Ông Nguyễn Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa cho biết, trước mùa mưa bão năm nay, địa phương đã phối hợp với Huyện đoàn tổ chức lực lượng thanh niên ra quân gia cố lại thân đê. Tuy nhiên do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt mưa bão vừa qua đã khiến một số đoạn đê ngày càng bị xói lở nghiêm trọng hơn. “Tuyến đê bao đi qua địa bàn xã Hải Hòa đã xuất hiện nhiều điểm xói lở, hư hỏng cần được xử lý kiên cố hơn. Trong đó, riêng đoạn đê bao Hói Dét là nguy hiểm hơn cả, nếu không được xử lý kịp thời thì nguy cơ vỡ đê do mưa lũ là rất dễ xảy ra”.

Trong khi đó tại nhiều tuyến đê tại xã Hải Thành cũng diễn ra tình trạng sạt lở đáng báo động tương tự. Ông Hồ Sỹ Phú, Chủ tịch UBND xã Hải Thành cho hay, tuyến đê đi qua địa bàn xã đã xảy ra sạt lở từ nhiều năm nay, trong đó có đoạn xảy ra sạt lở nặng kéo dài liên tục khoảng 250m. Một số điểm sạt lở, hư hỏng khác cũng có tổng chiều dài khoảng 500m. “Nhiều năm nay, địa phương đã huy động lực lượng thanh niên ra quân gia cố thân đê bằng cọc tre, bao cát để chống hư hại do mưa lũ. Tuy nhiên do nhiều đoạn thân đê đã bị hư hỏng diễn ra trong thời gian dài, lại gặp các trận mưa lũ lớn nên càng hư hại nặng hơn. Tình trạng trên đã khiến công tác chống úng, bảo vệ mùa màng gặp nhiều khó khăn”, ông Phú nói.

Hiện nay, ngoài đoạn đê xung yếu tại xã Hải Hòa, Hải Thành trên tuyến đê bao vùng trũng của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị còn có nhiều đoạn bị xói lở cần được đầu tư tu sửa, gia cố. Đó là một số tuyến đê nằm chủ yếu dọc theo sông Mai Lĩnh, đoạn đi qua một số xã khác như Hải Dương, Hải Tân. Để khắc phục tình trạng sạt lở đê bao, hàng năm chính quyền các cấp trong huyện Hải Lăng cũng đã bố trí một phần kinh phí và huy động các đoàn thể ra quân khắc phục tại các điểm xung yếu. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án mang tính tạm thời, về lâu dài thì cần có nguồn kinh phí lớn để khắc phục triệt để hơn nữa.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Lăng, Quảng Trị cho biết: “Tại một số điểm xung yếu dù đã được các địa phương huy động lực lượng xử lý nhưng chưa đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tại điểm sạt lở ở tuyến đê bao Hói Dét, xã Hải Hòa có cao trình mặt đê so với đáy sông là 7 mét nên rất khó xử lý, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn hơn. Hiện chúng tôi đã có tờ trình xin cấp trên sớm bố trí kinh phí để khắc phục đoạn đê xung yếu này cũng như một số điểm sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng khác để đảm bảo an toàn cho công trình”.

Với tầm quan trọng của tuyến đê bao vùng trũng huyện Hải Lăng là phục vụ sản xuất cho hàng nghìn héc ta lúa của các xã vùng trũng, nếu không được khắc phục một cách kịp thời và dứt điểm thì nguy cơ xảy ra hậu quả khó lường trong mỗi mùa mưa lũ là rất cao. Chính vì vậy, ngoài việc chủ động bố trí kinh phí của huyện, xã để khắc phục trước mắt thì thiết nghĩ các ban, ngành cấp trên cần quan tâm cấp kinh phí để sớm khắc phục các đoạn đê xung yếu, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống đê bao cũng như đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân.

Theo báo Quảng Trị

Theo báo Quảng Trị