Nâng khả năng cảnh báo lũ quét bằng bản đồ
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 10/10/2017
(Moitruong.net.vn) – Lũ quét là một trong các thiên tai nguy hiểm do tính chất nhanh, bất ngờ và diễn ra trên quy mô hẹp. Hệ thống bản đồ phân vùng và cảnh báo lũ quét cho nhiều tỉnh, thành có nguy cơ cao đã được xây dựng nhằm hỗ trợ công tác cảnh báo.
PGS. TS Dương Hồng Sơn chia sẻ về việc ứng dụng bản đồ phân vùng lũ quét trong dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất
Tuy nhiên để tăng hiệu quả, bản đồ cần chi tiết hóa hơn nữa. PGS.TS Dương Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết:
Trong khuôn khổ Dự án Điều tra, khảo sát, phân vùng và cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét ở miền núi Việt Nam, Viện KTTV&BĐKH đã xây dựng bộ bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (PVNCLQ) theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2010 – 2012, đã chuyển giao Bản đồ PVNCLQ của 14 tỉnh miền núi phía Bắc, tỉ lệ bản đồ 1:100.000. Giai đoạn 2 từ năm 2013 – 2017, Viện đã xây dựng PVNCLQ của 19 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tỉ lệ bản đồ 1:50.000 và sẽ chuyển giao ngay trong năm 2017.
Hệ thống bản đồ này đã phát huy tác dụng ra sao, thưa ông?
PGS.TS Dương Hồng Sơn: Bản đồ PVNCLQ là cơ sở để chỉ ra vùng có khả năng xuất hiện lũ quét với nguy cơ khác nhau trong lưu vực sông. Điều này rất cần thiết cho các nhà quản lý khi quyết định xử lý tình huống khẩn cấp, đặc biệt là trong sơ tán dân cư. Bên cạnh đó, bản đồ cũng được sử dụng để trợ giúp nhiệm vụ phân vùng quản lý sử dụng đất của địa phương, cụ thể là không quy hoạch khu vực dân cư, xây dựng công trình và các hoạt động kinh tế – xã hội khác trong vùng có lũ quét. Để thiết kế các công trình khống chế lũ quét và ngập úng, việc thiết kế các công trình khống chế và ngăn ngừa lũ quét và ngập như hồ chứa, tường bao, chắn dòng phải dựa vào nhiều tài liệu điều tra khảo sát các trận lũ quét đã xảy ra, các kết quả nghiên cứu, tính toán thuỷ văn, thuỷ lực, trong đó, bản đồ PVNCLQ là tài liệu không thể thiếu.
Lũ quét xảy ra trên địa bàn hẹp song tỷ lệ bản đồ hiện có chưa chi tiết nên khả năng cảnh báo chưa cao. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS. TS. Dương Hồng Sơn: – Bản đồ PVNCLQ hiện nay còn có tỉ lệ khá lớn, chưa đủ mức độ chi tiết và không phải là bản đồ cảnh lũ quét theo thời gian thực. Đây chỉ bản đồ tạo nền hỗ trợ cho công tác cảnh báo lũ quét.
Để có thể cảnh báo khả năng xuất hiện lũ quét tại một khu vực, vị trí cụ thể, người sử dụng cần căn cứ vào thông tin dự báo hay cảnh báo mưa lớn theo không gian để tích hợp thông tin lên bản đồ nền đã có. Cụ thể, nếu khu vực có dự báo, cảnh báo mưa lớn trùng với khu vực có nguy cơ rất cao theo phân vùng thì khả năng xuất hiện lũ quét ở đó rất dễ xảy ra. Khi đó, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng có biện pháp đối phó thích ứng, di dời người dân đến khu vực an toàn hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, chỉ bản đồ thôi thì chưa thể cảnh báo lũ quét có hiệu quả. Hệ thống cảnh báo cần tăng cường từ hệ thống quan trắc đến quy hoạch khu dân cư, từ cập nhật các dữ liệu về điều kiện mặt đệm (địa hình, địa mạo, địa chất, thảm phủ thực vật…) đến hệ thống cảnh báo thời gian thực tại các khu dân cư…
Thách thức lớn hiện nay của ngành dự báo ở nước ta đó là việc dự báo mưa lớn trong thời gian ngắn, xảy ra theo vùng không gian hẹp. Nguyên nhân do mạng lưới giám sát mưa lớn còn quá thưa, việc sử dụng các thông tin mưa từ rada, vệ tinh còn hạn chế.
Thông tin cảnh báo lũ quét và trượt lở đất trên một phạm vi quá rộng thường gây khó khăn cho các địa phương trong công tác chủ động phòng tránh. Viện Khoa học KTTV&BĐKH đang có hướng nghiên cứu, giải pháp gì để chi tiết hơn bản đồ nguy cơ lũ quét hiện nay, thưa ông?
PGS. TS. Dương Hồng Sơn: Lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra ở quy mô hẹp, trong thời gian ngắn, nên cảnh báo lũ quét ở mức độ chi tiết từng khe suối nhỏ là rất khó khăn. Để phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai, dự kiến trong thời gian tới Viện Khoa học KTTV&BĐKH đang tiến hành các nghiên cứu, giải pháp để chi tiết hóa bản đồ nguy cơ lũ quét cho các vùng, khe suối đông dân cư, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét. Thông qua công tác điều tra thực địa và mô phỏng để khoanh định những vùng có khả năng chịu tác động của lũ quét.
Hiện, Viện đang nghiên cứu xây dựng bản đồ lũ quét tổng hợp, thí điểm cho tỉnh Yên Bái và Sơn La. Bên cạnh đó, tăng cường mô hình số trị và nâng cấp phần mềm cảnh cảnh báo lũ quét cho Việt Nam nhằm chi tiết hóa và nâng cao chất lượng cảnh báo và dự báo mưa lớn, tích hợp các công nghệ hiện đại như radar thời tiết hoặc ảnh vệ tinh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Monre