Bảo vệ môi trường: Cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm hơn từ phía các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 03:18, 26/09/2017

Đồng chí Lê Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận tại Hội nghị

(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng, giải pháp về bảo vệ môi trường, công nghệ, thiết bị tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng.

Đồng chí Lê Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; dự Hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Bảo Thắng; các nhà máy/doanh nghiệp tại Khu CN Tằng Loỏng.

Tính đến đầu năm 2017, KCN Tằng Loỏng có 26/32 dự án đã đi vào hoạt động, về cơ bản các doanh nghiệp chấp hành tương đối đầy đủ các thủ tục pháp lý trong quá trình lập và phê duyệt dự án. Trong nhiều năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc; ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã được tăng lên, thể hiện rõ nét nhất là đã xây dựng được hệ thống xử lý nước thải, khí thải; quan trắc môi trường định kỳ.

Tuy nhiên, tổng hợp báo cáo từ các ngành liên quan cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác bảo vệ môi trường KCN còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế như: Một số dự án chậm thực hiện các thủ tục pháp lý về môi trường; vẫn còn để xảy ra sự cố về khí thải; việc triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục của các nhà máy còn chậm; hệ thống thu gom nước thải, nước mặt còn chưa đảm bảo yêu cầu; việc thực hiện cam kết xử lý chất thải rắn bằng cách đóng gạch không nung, tái sở dụng hoặc cung cấp cho các đơn vị làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, thạch cao của các nhà máy chưa thực sự hiệu quả… Ngoài ra, công nghệ, thiết bị của các nhà máy đã lạc hậu chưa được cải tiến, thay thế cũng đã tác động tới môi trường.

lao cai1

Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp tại KCN Tằng Loỏng phát biểu

Nhận thấy rõ những tồn tại, hạn chế về môi trường, để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường KCN trong thời gian tới, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đề xuất và thống nhất những giải pháp thiết thực thực hiện quy định về BVMT, đó là: Thẩm định công nghệ theo quy định; trích lập quỹ phát triển KHCN để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo môi trường.

Lập phương án bảo vệ môi trường. Xây dựng bãi chứa CTR đảm bảo theo đúng quy định; lập kế hoạch quản lý, xử lý xỉ thải sau khi bãi chứa đầy và phương án tái chế sử dụng. Đăng ký tất cả các vị trí xả nước thải ra ngoài môi trường với cơ quan quản lý. Khẩn trương lắp đặt trạm quan trắc tự động, liên tục khí thải theo quy định; rà soát, đánh giá liên quan đến quy trình xử lý các thành phần trong khí thải; xử lý xả thải đảm bảo quy chuẩn.

Nghiên cứu vị trí xả thải nước thải bề mặt để đấu nối với nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN; lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng tại các vị trí đấu nối; hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mặt. Triển khai phương án ứng phó sự cố hóa chất. Thực hiện báo cáo quan trắc định kỳ về môi trường; thực hiện đầy đủ các thủ tục về pháp lý theo quy định… Đối với chất thải nguy hại, phải được quản lý theo quy định.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các nhà máy, doanh nghiệp cũng đã trao đổi, đề nghị phía cơ quan quản lý nhà nước giải đáp một số nội dung liên quan việc lắp camera giám sát nơi xả thải; xây dựng khu xử lý thải; tính toán số lượng nước thải; điều chỉnh mức thu, đóng góp đảm bảo cơ sở hạ tầng giao thông; việc trích, lập quỹ khoa học công nghệ, việc lắp đặt khí thải tự động; thủ tục xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường… ; các cơ quan chức năng cũng đã làm rõ các ý kiến của doanh nghiệp.

lao cai2

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá thực trạng, giải pháp về bảo vệ môi trường, công nghệ, thiết bị tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lào Cai là tỉnh miền núi, có nhiều tài nguyên, trong những năm qua, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, các doanh nghiệp có đóng góp cho tỉnh, góp phần phát triển tỉnh Lào Cai, việc chế biến sâu mang lại hiệu quả của sản phẩm, đây là những việc tỉnh thấy rất đáng trân trọng và ghi nhận.

Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để khẳng định, xem xét vấn đề về môi trường, các doanh nghiệp phải có ứng xử với tỉnh, với cán bộ nhân viên, người dân sinh sống tại KCN giải quyết vấn đề môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thời gian tới các ngành, đơn vị tính toán nước thải cho phù hợp; lắp camera giám sát tại những vị trí xả thải; thực hiện tốt vấn đề thu phí, phụ thu; tất cả các chỉ tiêu môi trường phát thải phải đảm bảo quy chuẩn.

Đồng thời, đồng chí yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế, cụ thể: Yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục pháp lý về môi trường; khắc phục về thu gom xử lý nước thải như lót đáy, thẩm thấu, xử lý nước chảy tràn…, giao Ban Quản lý Khu Kinh tế quản lý. Về xử lý CTR đồng chí yêu cầu chủ đầu tư dự án theo đúng cam kết báo cáo đánh giá tác động môi trường, các dự án cam kết đóng gạch không nung, cung cấp vật liệu xây dựng khẩn trương triển khai thực hiện; đối với bãi thải được thẩm định đổ thải tiến hành che chắn, bao lưu toàn bộ bãi thải để bảo vệ, thu gom nước rỉ, xử lý đạt tiêu chuẩn…. về khí thải phải kiểm soát chặt chẽ, đối với những nhà máy thuộc đối tượng lắp quan trắc khí tự động phải hoàn thành trước 15/11.

Về sự cố môi trường, khi xảy ra sự cố hóa chất môi trường, đơn vị nào không báo cáo kịp thời hoặc không báo cơ quan chức năng theo thì sẽ đình chỉ hoạt động. Liên quan quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra chất thải, định kỳ báo cáo, giao BQL Khu Công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổng hợp báo cáo tỉnh. Rà soát toàn bộ hạng mục công trình, công nghệ, máy móc thiết bị đầu tư cho sản xuất và xử lý môi trường đang thực hiện chủ động xây dựng kế hoạch thay thế, nâng cấp đảm bảo hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chất thải ô nhiễm môi trường. Đề nghị các nhà máy phốt pho, lắp camera giám sát chỗ xả thải hợp lý để thuận lợi cho việc theo dõi; các nhà máy phụ sản xuất phân bón, phụ gia thức ăn gia súc thay thế, đổi mới thiết bị máy móc công nghệ; thực hiện nộp các loại quỹ theo quy định. Đồng chí nhấn mạnh, nếu đơn vị nào thực hiện không nghiêm túc thì chế tài sẽ tăng lên, xử lý nghiêm, kể cả đình chỉ.

Đối với việc quản lý nhà nước, yêu cầu các ngành, địa phương, doanh nghiệp theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp, quản lý tốt việc thực hiện các quy định của các nhà máy, doanh nghiệp tại KCN về bảo vệ môi trường.

Theo LCP

Theo LCP